Lưu trữ | Đôi điều suy ngẫm RSS for this section

Câu chuyện về những mẩu chì bỏ đi

Bài viết của TS. John Vũ (người Mỹ gốc Việt), nguyên là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing, hiện công tác tại trường Đại học Carnegie Mellon (Mỹ).

cau-chuyen-ve-nhung-mau-chi-bo-di

Vài năm trước khi dạy ở Ấn Độ, tôi thấy Prasad Mehta, một sinh viên năm thứ tư thường viết bằng bút chì. Ngày nay sinh viên đại học không dùng bút chì, phần lớn dùng laptop và nếu phải viết, họ dùng bút bi.

Tôi ngạc nhiên hơn khi không thể dùng được bút chì thêm nữa, anh để nó vào trong túi nhỏ nơi có nhiều bút chì, tất cả đều ngắn và dường như chúng đã được dùng rồi. Bút chì là rẻ và thường được dùng cho tới khi ngắn vài phân rồi vứt đi. Tôi tưởng Prasad là sinh viên nghèo không thể mua được bút bi nên hôm sau tôi cho anh ta một gói sáu bút bi và nói: “Em có thể dùng các bút này nên không phải dùng bút chì nữa.” Prasad cám ơn tôi về những bút bi rồi giải thích tại sao anh ta thích dùng bút chì.

Khi Prasad bắt đầu kể, tôi thấy cả lớp đều im lặng lắng nghe. Anh nói: “Em thích dùng bút chì vì nó nhắc em về một sự việc quan trọng làm thay đổi đời em.” Qua một vài chi tiết lúc đó, tôi mới biết Prasad xuất thân từ một gia đình rất giầu. Cha anh ta sở hữu công ty thương mại rất lớn và anh có mọi thứ vật chất xa hoa như máy nghe nhạc, ti vi màn hình phẳng, laptop, iPhone, iPad, xe máy, xe hơi và thường mặc những bộ quần áo thời trang rất đắt tiền của những nhà thiết kế quần áo. Anh thường đi dự tiệc tùng cuối tuần với bạn bè toàn con nhà giàu có cho tới một hôm…

Anh nói: “Bà ấy là người quét rác trong trường tiểu học. Hai vợ chồng bỏ quê lên tỉnh kiếm ăn nhưng người chồng chết sớm. Bà ấy không có họ hàng thân thích để nương tựa trong thành phố lớn như Mumbai nên gặp rất nhiều khó khăn với đời sống nơi đây. Trong 40 năm qua, bà ấy đã quét lớp học tại trường tiểu học, lương đạm bạc của bà ấy chỉ đủ cho bà ấy ăn ngày hai bữa mà thôi. Bà ấy được phép sống trong một chiếc lều nhỏ đằng sau trường. Tuy bà cũng muốn giúp đỡ người khác nhưng như một người rất nghèo, bà ấy chẳng có gì để cho.”

Prasad tiếp tục: “Là sinh viên, chúng em thường tình nguyện làm công tác xã hội. Vài năm trước, chúng em được phái tới trường tiểu học để hướng dẫn học sinh giúp cho trường. Em được phân công đọc chuyện cho trẻ con. Em lấy một cuốn sách từ thư viện, câu chuyện là về Gandhi.

Khi trẻ em tụ tập quanh em ở thính phòng của trường, em bắt đầu đọc: “Gandhi thường viết nhiều thư. Một hôm, Kalelkar, một tác giả Ấn Độ nổi tiếng, thấy ông đang viết bằng chiếc bút chì ngắn và lập tức tặng đưa cho Gandhi chiếc bút chì dài hơn từ túi ông ta. Gandhi lễ phép nói rằng ông ấy không cần nó. Ngày hôm sau, Kalelkar thấy Gandhi lục túi tìm bút chì cũ nên ông ta lại đưa ra chiếc bút chì dài hơn: ‘Dẫu sao bút chì của ông ngắn quá rồi, viết rất khó khăn’ Gandhi dịu dàng đáp, ‘Nhưng một đứa trẻ đã cho tôi bút chì đó.’ Và ông ấy cứ tìm chiếc bút chì đó. Điều Gandhi dạy là ở một nước nghèo, người ta phải tằn tiện, không nên phí phạm bất cứ gì và không nên cư xử như các nước giầu khác…”

Prasad mỉm cười: “Câu chuyện này được viết ra cho học sinh tiểu học. Nó không quan trọng với em vào lúc đó nhưng điều em không chú ý là người đàn bà quét rác cũng nghe em đọc. Câu chuyện mà em đọc có tác động lên bà ấy.

Bà ấy nghĩ “Mình quét trường mọi ngày và thấy trẻ con vứt đi nhiều cây bút chì ngắn. Sao mình không thu nhặt các bút chì đó và đem cho trẻ con nghèo, những đứa không có được bút chì để chúng có thể học viết hay vẽ.”

Thầy cần biết rằng ngay cả ngày nay, vẫn có rất nhiều người nghèo khổ sống chui rúc trong những đống rác, trong những khu nhà ổ chuột, và con cái của những người đó không được đi học, chúng phải giúp cha mẹ kiếm sống bằng cách lượm lặt các phế thải có thể bán được trong các đống rác. Người đàn bà quét rác bắt đầu thu thập bút chì, tẩy, cái gọt bút chì và bất kì cái gì học sinh vứt đi trong lớp. Khi đầy túi, bà ấy đem tới các khu nhà ổ chuột cho trẻ em nghèo nơi đây. Đó là việc làm hàng tuần của bà ấy và bà ấy vẫn tiếp tục làm cho đến nay.”

“Đầu năm nay, chúng em quay lại trường tiểu học đó. Khi thấy em, bà ấy cám ơn em vì đã giúp cho bà ấy một ý tưởng mà trong nhiều năm bà vẫn có ý định giúp gười khác nhưng không có phương tiện. Em ngạc nhiên khi nghe câu chuyện đó và để cảm ơn, bà ấy khẩn khoản mời em tới nhà ăn cơm. Em không thể đến vào hôm đó nhưng hứa tới hôm sau chỉ để làm hài lòng bà già. Bà ấy nấu cho em một bữa ăn thanh đạm đơn giản nhưng ngon tuyệt.”

Prasad tiếp tục: Em là một một sinh viên đại học con nhà giầu thường tiêu hàng trăm đô la chỉ cho một bữa tiệc cuối tuần. Nhưng ngồi trong chiếc lều rách tả tơi cùng một bà già quét trường với số lượng chưa đến trăm đô la một năm. Em lắng nghe câu chuyện của bà ấy với nước mắt lưng tròng. Bây giờ em mới nhận minh triết của câu chuyện Gandhi trong sách giáo khoa tiểu học. Em nhận ra lòng từ bi với người khác của người quét trường nghèo khổ này.

Khi em ra về, bà ấy đưa cho em một túi nhựa nhỏ gần rách. Em mở ra và thấy toàn những bút chì ngắn với những cái tẩy đã mòn và cái gọt bút chì. Bà ấy nói: “Tôi muốn đi tới khu nhà ổ chuột ở cuối thành phố và trao cho trẻ con nghèo. Gần đây, tôi bị viêm khớp nên không thể đi bộ tới miền tây nam thành phố (nơi có khu nhà ổ chuột) nên phiền anh giúp tôi làm điều đó vì anh có xe máy.”

Prasad kết luận: “Khó mà kìm được cơn xúc động của em trong sự hiện diện của cái gì đó hào phóng vô giá như thế. Nếu thầy có thể biết rằng là con nhà giàu, từ nhỏ đến lớn, em có đủ mọi thứ em muốn. Em chưa bao giờ biết đến việc đói nghèo. Ngay như hiện nay, ở Ấn Độ có hai thế giới rất rõ rệt dựa trên sự phân chia giai cấp của người giầu và người nghèo. Em may mắn sinh ra trong giai cấp quyền quý giàu sang nhưng kinh nghiệm này đã dạy cho em bài học giá trị về cuộc sống.

Không thành vấn đề giầu hay nghèo, lòng cảm thông và từ bi với người khác là quan trọng. Không phải cứ giầu mới cho được người khác. Chừng nào còn biết quan tâm tới người khác, chừng nào trái tim còn biết rung cảm với sự khổ đau của người khác nó là trái tim thuần khiết. Tất nhiên, em hoàn thành lời hứa với bà ấy bằng việc phân phối món quà của bà cho trẻ em nghèo ở khu nhà ổ chuột.

Từ đó, em không bao giờ vứt đi bất kì gì, kể cả những chiếc bút chì đã dùng rồi. Em giữ chúng trong túi để cho em cũng có thể đem chúng cho trẻ em nghèo nữa. Hành động khiêm tốn đầy vị tha của bà ấy đã làm thay đổi cuộc đời em. Bà ấy đã làm thay đổi cách suy nghĩ của em về cuộc sống và hành vi của em cũng thay đổi hoàn toàn. Cha mẹ em đã vui mừng khi thấy em chăm chỉ học hơn trong trường và đã thôi đi dự tiệc tùng ăn nhậu cuối tuần.”

Việc bố thí khiêm tốn của bà lão quét trường nghèo tả tơi có sức mạnh nào đó không thể mô tả được. Tôi cảm thấy có một bầu không khí lạ lùng nào đó trong lớp học và mọi người trong lớp có lẽ cũng cảm thấy như vậy.

Tôi để ý rằng sau câu chuyện của Prasad, nhiều sinh viên dường như cẩn thận hơn về thói quen của họ trong lớp. Trong suốt hai tuần dạy học học tại đây, tôi không thấy các sinh viên vứt rác, quẳng đồ bừa bãi hay hút thuốc trong hàng hiên trường.

Tôi mong những sinh viên cũng học được bài học quý giá này và sẽ đóng góp nhiều cho đất nước của họ để xoá đói, giảm nghèo.

John Vũ

Nguồn: Cafebiz.vn

Mặt dày, tâm đen

Nhiều người cho rằng người xấu là những kẻ cướp của, giết người, lừa đảo đa cấp… Nhưng như vậy, có lẽ vẫn là chưa đủ.

Từ những năm 1930, Lý Tôn Ngộ cho xuất bản tập sách mỏng có tựa đề là “Hậu hắc học”, nội dung đề cập đến sự tàn nhẫn và quyết liệt của những kẻ theo đuổi mục tiêu của mình bất chấp hậu quả gây ra cho người khác. Họ là những người chẳng thấy xấu hổ hay tội lỗi. Điều duy nhất họ quan ngại về hành vi của mình là nó có hiệu quả không.

Theo ông Lý, có ba cấp độ thực hành mặt dày, tâm đen:

  1. “Dày như tường thành, đen như than” là mức độ của bọn bon chen, lừa đảo và bội tín tầm thường.
  2. Cấp độ thứ hai là “Dày và cứng, đen và lấp lánh” là những kẻ không bị trói buộc bởi cảm giác tội lỗi, xấu hổ dù hành vi của họ mọi người đều biết.
  3. Cấp độ thứ ba là “Dày đến vô hình, đen đến vô sắc” là những kẻ theo đuổi mục tiêu đầy tội lỗi của mình, nhưng làm ra vẻ đạo đức, được ca tụng.

Nguyên tắc mặt dày, tâm đen đã được thể hiện từ thời xa xưa, mà Lý chỉ là người đặt tên sau này, xuất phát từ sự khát khao quyền lực. Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, nhiều nhân vật là hiện thân của nguyên tắc này: Tào Tháo là kẻ tâm vô cùng đen, ông ta nói: “Thà ta phụ người, chứ không thể để người phụ ta”. Lưu Bị là kẻ mặt vô cùng dày, khi thua trận ông ta quỳ, khóc, van xin tha mạng, nhưng khi kẻ thù rơi vào tay ông ta thì ông chẳng hề thương xót. Hạng Vũ là một chiến binh tài ba, quân ông ta mạnh, nhưng cuối cùng ông ta thua trận và tự sát vì mặt ông không dày, tâm ông không đen như Lưu Bang.

Mặc dù các nguyên tắc mặt dày, tâm đen có thể không bao giờ được nhắc đến trong giới chính trị và kinh doanh châu Á ngày nay, nhưng chúng vẫn là nền tảng của những cách hành động hiệu quả cao.

Sau này, nhà tư vấn chiến lược kinh doanh Chin Ning Chu có trình bày quan điểm của mình trong cuốn “Mặt dày, tâm đen”. Bà cho rằng điều này giống như con dao hai lưỡi, người ta có thể dùng nó vào điều xấu và có thể dùng vào điều tốt. Người có tim đen dường như thiếu lòng trắc ẩn, tuy nhiên đôi khi thiếu đặc điểm phù phiếm ấy lại mang đến kết quả tốt. Vì nếu Jack Welch không sa thải người thiếu năng lực và tinh gọn bộ máy hoạt động thì gã khổng lồ General Electric sẽ khó có được sự linh hoạt và thành công. Chính việc đạt được mục đích của mình đã đẩy Welch vào hoàn cảnh làm dâu trăm họ vì không ít nhân viên ghét hoặc cảm thấy ông là người “xấu”. Thỉnh thoảng, để giữ vững mục tiêu và kết quả tốt đẹp chung cho tổng thể, bạn phải hành động dứt khoát và có đôi chút tàn nhẫn.

Tuy vậy, tôi không cho rằng Jack Welch thiếu lòng trắc ẩn. Vì nếu ông ta không hành động như vậy, kết cục không thể tránh khỏi sẽ là sự phá sản của GE. Khi đó, không chỉ có số người thiếu năng lực thất nghiệp mà là toàn bộ nhà máy. Jack Welch chỉ đơn giản là đưa ra lựa chọn có lợi nhất cho nhiều người mà thôi. Xét về tổng thể, quyết định của ông ta vẫn là quyết định tốt bởi nó mang lại lợi ích cho nhiều người hơn.

Nếu tâm bạn không đủ sáng, chí không đủ kiên định thì bạn không cần tới “mặt dày”, bởi “mặt dày” là lớp vỏ bảo vệ lòng tự trọng của bạn không bị tác động bởi bên ngoài. Hay nói cách khác, bạn miễn nhiễm với đánh giá, soi xét của người khác. Một người đôi khi mắc phải tật xấu, thói quen xấu, lại cần soi mình qua quan điểm của người khác để sửa mình. Một người xấu xa, độc ác tới mức không còn cảm thấy hổ thẹn với lương tâm thì quả là mối nguy cho xã hội.

Có những người luôn tìm cách thể hiện mình như thế này, như thế nọ. Ví dụ: một ông chồng lười, thờ ơ với gia đình, vợ con thậm chí ngoại tình nhưng khi bị vợ phát hiện thì đòi cắt tay, cắt chân để thể hiện tình yêu mãnh liệt. Một người yêu gia đình và có trách nhiệm sẽ biết phải thể hiện tình cảm của mình qua những hành động thiết thực như chăm sóc con cái, làm việc nhà, không để vợ phải quá mệt mỏi, vất vả bon chen, chứ không phải qua những hành vi giả tạo, lấy lòng… Một số anh chàng dọa sẽ tự tử nếu không được cô gái đang theo đuổi chấp nhận. Thực ra, hành động ấu trĩ và nông nổi này giống như của một đứa trẻ ngã lăn quay và giãy giụa giữa siêu thị để đòi món đồ chơi mà mình thích. Chẳng lẽ, anh ta không có hành động nào chứng tỏ mình có đủ khả năng để che chở vào bảo vệ cho người mình yêu hay sao?

Trong cuốn tiểu thuyết “Tiếu ngạo giang hồ”, nhân vật lúc nào cũng tỏ ra đạo mạo, uy nghiêm, danh môn chính phái như trưởng môn Hoa Sơn Nhạc Bất Quần, tới cuối cùng lại hóa ra là ngụy quân tử, nhân cách không bằng một kẻ hạ đẳng nhất. Chính vì vậy, thấu tỏ nhân tâm bao giờ cũng là một điều vô cùng khó khăn đối với mỗi người chúng ta.

Capro

26/04/2016

Đạo đức nghề nghiệp

Một bài viết gây sốt cộng đồng mạng khiến hàng vạn người phải suy nghĩ – Đây chính là đạo đức nghề nghiệp:

1. Cô giúp việc đã làm việc cho gia đình tôi liên tục 10 năm nay, mấy hôm trước, cô ấy lần đầu tiên xin tôi cho nghỉ phép một tuần. Sau khi trở về nhà, tôi phát hiện ra cô ấy đã bọc lên chiếc sọt rác trong phòng bếp 7 chiếc túi đựng rác một cách ngay ngắn, cẩn thận.

Tôi cho rằng đây chính là đạo đức nghề nghiệp.

141312483021
2. Năm trước đến Hồ Thanh Hải du lịch, quen biết một lái xe, chỉ có trình độ văn hóa tiểu học, nhưng mỗi ngày đều mặc áo sơ mi quần âu phẳng phiu, hôm nào cũng đến trước 10 phút để đợi khách, ghế ngồi mỗi ngày đều được lau sạch sẽ, trên xe đã chuẩn bị miễn phí một số đồ như: thùng rác để đựng rác, nước khoáng, khăn ướt, chăn mỏng để ngủ. Kèm theo một chiếc máy chụp hình, lặng lẽ chụp khoảnh khắc khách đang ngắm cảnh, hoặc những cảnh vật xa xa, lúc chia tay sẽ tặng lại cho khách.

Tôi cho rằng đây chính là đạo đức nghề nghiệp.

taxi-two
3. Vì làm đồ dùng trong nhà nên tôi có quen biết một ông thợ mộc, ông ấy kinh doanh rất lớn, làm thủ công bằng tay thì vô cùng chậm chạp, trong suy nghĩ của mình, tôi thường hay dè bỉu chê bai những công việc mà không có tốc độ. Mặc dù hai kiện đồ đạc mà tôi đặt mua của ông không có giá trị lắm, nhưng mà lúc đo kích thước ông đã tự mình đến, ông nói làm như vậy là muốn “xem xem vách tường nhà của anh màu gì, dùng loại gỗ này có được hay không”. Lúc giao hàng ông ấy cũng đích thân đưa một nhân viên đến vì sợ sắp đặt không thích hợp, ông lo lắng ngay cả vị trí mà tôi đặt có thể cũng không phù hợp với dự tính của ông, ông vuốt ve những đầu gỗ bóng loáng trơn nhẵn với một ánh mắt tràn đầy yêu thương.

Tôi cho rằng đây chính là đạo đức nghề nghiệp.

tho-moc-3
4. Khi học chơi tennis tại câu lạc bộ tennis có quen biết một vị huấn luyện viên, ông thu phí hơi đắt so với một số huấn luyện viên khác, nhưng chưa bao giờ thấy ông chiếm dụng thời gian của học viên để nhận điện thoại hay gọi điện thoại, hút thuốc, uống nước, đi vệ sinh, cũng không chào mời học viên mua thẻ hội viên, thiết bị vợt, nhưng nếu học viên có vấn đề cần hỏi ý kiến, ông có thể đưa ra câu trả lời tường tận và chuyên nghiệp nhất. Lý do của ông là: Thứ nhất – tôi là huấn luyện viên không phải là một chuyên gia cố vấn, cũng không phải là nhân viên bán hàng, thứ hai – học viên nộp tiền đăng ký học tennis nên việc phải tận dụng tối đa thời gian trên sân tập để nâng cao trình độ kỹ năng cho học viên là đạo đức nghề nghiệp của huấn luyện viên.

Tôi cho rằng đây chính là đạo đức nghề nghiệp.

Tennis Club - Vincom Village - 1
Trong bản thân mỗi người này có một loại sức mạnh vô hình – giống như “giương cung mà không bắn” vì vậy mà sức mạnh đó kéo dài không dứt, đạo đức nghề nghiệp hiện nay dường như trở thành một loại tài nguyên khan hiếm. Tôi thường làm việc với rất nhiều người ở tầng lớp “tinh hoa của xã hội“. Tuy nhiên ngay cả trong tầng lớp này, có người “bưng bát cơm thịt lên ăn, đặt đũa xuống liền chửi thề” (ý nói một người có được cuộc sống đầy đủ nhưng vẫn luôn cảm thấy bất mãn), có người thường xuyên làm việc không tốt và đổ lỗi do hoàn cảnh “thường đi bên bờ sông sao tránh khỏi ướt giày” (ý nói ở trong một hoàn cảnh dễ bị ảnh hưởng bởi thói quen, hay thói hư tật xấu nơi đó).

Nhưng có thể thấy, đạo đức nghề nghiệp không nhất định phụ thuộc vào trình độ giáo dục, địa vị xã hội thậm chí tầm hiểu biết của mỗi người.

Tôi thực sự bị cuốn hút bởi những người hoàn toàn tập trung tinh thần vào nghề nghiệp của mình, cho dù nghề này là ghi dữ liệu hay là quét dọn đường phố… Họ làm điều này không vì bất kỳ ai mà bản thân mình mới là lý do lớn nhất, không làm một cách cẩu thả, không ứng phó, không mơ hồ, coi những việc mình đang làm là ý nghĩa lớn nhất của đời họ.

Có đạo đức nghề nghiệp trong công việc, mới có thể làm cho mọi người tôn trọng!

Theo Mai Trà/ DKNA

Nguồn: thanhnientudo.com