Lưu trữ | Kinh doanh gian dối RSS for this section

Tôn giả tái xuất: Đủ chiêu móc túi người tiêu dùng

Với đủ chiêu trò tinh vi, các cửa hàng, đại lý bán tôn ở nhiều địa phương đang ngày đêm móc túi người tiêu dùng thông qua việc bán tôn giả, tôn Trung Quốc nhái các thương hiệu đã được bảo hộ trong nước. Theo ước tính, việc bán tôn giả mang lại lợi nhuận nhiều tỷ đồng cho mỗi cửa hàng lớn/tháng trong khi ngân sách nhà nước thất thu thuế cả nghìn tỷ đồng/năm.

ton gia_du an khoi nghiep

Thích hãng nào… in nhãn đó

Sau một thời gian im ắng trước sự kiểm tra gắt gao của lực lượng quản lý thị trường ở nhiều địa phương, các cơ sở sản xuất tôn giả, tôn nhái ở nhiều địa phương ở khu vực phía Bắc đã quay trở lại hoạt động ngang nhiên, thậm chí là trắng trợn như chưa từng có gì xảy ra. Qua điều tra của PV Tiền Phong, một sự thật rất kinh ngạc, các loại tôn giả, tôn nhái bày bán công khai ở nhiều địa phương (như Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương…) trong suốt thời gian dài nhưng dường như không bị cơ quan chức năng sờ đến?

Tại Hà Nam, thông qua giới thiệu của một chủ thầu từng nhiều năm trong nghề, chúng tôi tìm đến Công ty cổ phần XNK&TM Quang Phát, một địa chỉ cung cấp khá nhiều loại tôn khác nhau ra thị trường. Với diện tích ước chừng hơn 400 m2 và nằm ở vị trí khá tách biệt tại xóm 6, thôn Văn Quan (xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam), cơ sở sản xuất tôn này luôn ồn ào với tiếng máy dập, máy cắt.

Đặt vấn đề mua tôn đôn dem và tôn nhái thương hiệu Hoa Sen để kiếm tiền chênh lệch khi làm công trình, nhân viên ở đây cho biết có thể thực hiện được với bất cứ số lượng, độ dày nào. Đúng hẹn, nhân viên tại cửa hàng giao cho chúng tôi số tôn trên có in dòng chữ “Ton Hoa Sen – Thuong hieu quoc gia – Ton kem màu ISO14001:2004 0,45mm”. Trên cuộn tôn thứ hai, cũng có dòng chữ tương tự. “Nếu không phải người trong ngành thì không thể phát hiện được đây là hàng thật hay hàng giả. Ở đây bọn em làm nhiều rồi. Bọn em có thể làm bất cứ loại tôn nào theo yêu cầu của khách. Anh an tâm”, nhân viên ở cửa hàng trấn an.

Dù trên hóa đơn mua tôn ghi rõ độ dày 0,45 mm và 0,40mm có giá lần lượt là 80.000 đồng/m và 75.000 đồng/m nhưng thực tế, khi kiểm tra bằng các dụng cụ chuyên dụng, tại chi nhánh của tôn Hoa Sen, độ dày của tấm tôn bị hụt chuẩn khá nhiều. Loại tôn đề độ dày 0,45mm thực tế chỉ đạt 0,37mm trong khi loại tôn đề độ dày 0,4mm có độ dày 0,32mm.

Chỉ với việc ăn gian độ dày thực tế, so với mức giá bán của hàng chính hãng tôn Hoa Sen, mỗi mét tôn kiểu này được bán ra, cơ sở bán tôn thu được khoản lợi nhuận từ 4.000 đồng đến 14.000 đồng/m. Với số tôn chúng tôi đã mua, cơ sở này kiếm được khoản chênh lệch hơn 500.000 đồng từ việc bán tôn đôn dem. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở sản xuất tôn này mỗi tháng có lượng tiêu thụ hàng chục tấn.

Còn tại một công ty thép có trụ sở tại thôn Long Bối Đông (xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, Thái Bình) nằm ngay trên Quốc lộ 10, nhân viên kinh doanh tại đây cho biết có thể làm nhiều loại tôn theo yêu cầu “đặt riêng” của khách, số lượng không hạn chế. Tuy nhiên, phải người trong nghề, bắt đúng tín hiệu thì mới thực hiện hợp đồng.

Đặt vấn đề mua tôn đôn dem của Hoa Sen với giá cao để kiếm chênh lệch, nhân viên ở đây cho biết phải đặt số lượng lớn mới làm. Nhân viên này cũng giới thiệu và bán cho chúng tôi tôn liên doanh Việt – Hàn mang nhãn hiệu Vitexko có chiều dầy 0,35mm (giá bán 61.000 – 64.000 đồng/m) được dùng khá phổ biến trong các công trình xây dựng.

Tuy nhiên, đo thực tế, loại tôn này chỉ dày có 0,27mm. Với việc bán loại hàng đôn dem nói trên, mỗi mét tôn bán ra, cửa hàng kiếm được số tiền chênh lệch (từ độ dày đến nhái nhãn hiệu) từ 12.000 đồng – 15.000 đồng. Với số lượng hàng chục tấn tôn bán ra mỗi tháng, cơ sở này móc túi không biết bao nhiêu tiền của khách hàng từ việc bán hàng đôn dem này.

Chủ một cửa hàng tôn trên đường 5 thuộc địa phận tỉnh Hải Dương cho biết, có thể cung cấp mọi loại hàng tôn theo yêu cầu của khách. Nhưng các loại hàng đôn dem, nhái thương hiệu này chỉ bán cho khách quen, đã từng có mua bán tại đây. “Loại hàng tôn kia (tôn nhái-PV) ok nhưng chúng tôi chỉ giao tận công trình chứ không giao lẻ”, nhân viên cửa hàng cho biết. Theo nhân viên ở đây, hàng nhái các thương hiệu tôn uy tín trong nước cũng có rất nhiều loại và có nhiều mức giá khác nhau.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, để làm các loại tôn nhái của các hãng, nhân viên tại xưởng tôn thường dùng cồn hoặc xăng “tẩy” các dòng chữ in trên các loại tôn không rõ nguồn gốc xuất xứ, rồi dùng máy in in đè nhãn hiệu Tôn Hoa Sen, hoặc các tên thương hiệu khác lên trên. Với vài thao tác đơn giản, từ một sản phẩm không rõ nguồn gốc, những tấm tôn nghiễm nhiên được hô biến thành các loại tôn có thương hiệu với giá bán cao hơn so với giá trị thực tế hàng chục nghìn đồng.

“Không hiểu quyền lực ngầm nào bảo kê mà tôn giả, tôn Trung Quốc nhái nhãn mác các thương hiệu trong nước tồn tại như một nghịch lý công khai trên thị trường trong nhiều năm qua mà vẫn không bị cơ quan chức năng sờ tới”, đại diện một doanh nghiệp tôn bức xúc.

Đủ chiêu móc túi người tiêu dùng

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tình trạng làm và bán tôn giả mang thương hiệu Hoa Sen cùng các thương hiệu lớn khác xuất hiện khá nhiều ở các địa phương khác. Tuy nhiên, việc bán hàng thiếu dem chỉ là “chuyện nhỏ” so với đủ chiêu trò móc túi người tiêu dùng với số tiền lên tới vài chục nghìn đồng/m tôn mà chúng tôi phát hiện trong quá trình tìm hiểu về việc kinh doanh tôn giả, tôn nhái ở các địa phương.

Cụ thể, ngoài việc, dùng tôn Trung Quốc rồi bắn chữ tôn Hoa Sen hoặc Phương Nam… lên trên để bán với giá hàng chính hãng, nhiều cơ sở sản xuất tôn còn dùng chiêu đánh tráo hàng của một hãng tôn khác có mức giá rẻ hơn để bán cho khách với giá của tôn chính hãng uy tín. Một hình thức móc túi người tiêu dùng khác là việc đánh tráo khái niệm hoặc gắn mác tôn liên doanh để “lên đời” cho các loại tôn có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc để bán giá cao.

Một chiêu móc túi người tiêu dùng khác là việc gian lận độ dài của tôn. Trên thị trường hiện có nhiều loại tôn liên doanh bị ăn gian cả về độ dài (mỗi mét tôn hụt so với thực tế 1,3cm). Như vậy, với mỗi cuộn tôn bán ra thị trường (trung bình dài 3.000m), người mua bị ăn gian tổng cộng khoảng 30 – 40 m. Với mức giá bán thấp nhất 60.000 đồng/m, khi mua phải cuộn tôn trên, người mua bị móc túi tổng cộng hơn 2,5 triệu đồng. Nếu tính cả tiền bị ăn gian do đôn dem, số tiền thực tế người mua bị mất trắng từ 6-8 triệu đồng.

Đại diện một doanh nghiệp tôn lớn (đề nghị giấu tên) cho biết, tình trạng tôn kém chất lượng, tôn giả, tôn nhái “móc túi” người tiêu dùng đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương gây bức xúc cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành thép. “Những loại tôn xuất xứ Đài Loan, tôn Trung Quốc thường chỉ có giá từ 45.000 đồng/m nhưng nếu gắn mác tôn trong nước, tôn liên doanh, giá bán sẽ nâng lên, thấp nhất từ 65.000 đồng/m. Đây là mức chênh lệch rất hấp dẫn nên hầu như cửa hàng bán tôn nào cũng “dành đất” trữ hàng để buôn”, chủ một doanh nghiệp tôn trong nước tiết lộ.

Theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, chỉ cần khoảng 10% thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái (tương đương khoảng 173.000 tấn); số tiền người tiêu dùng bị thiệt hại khi mua phải tôn giả bị đôn dem lên tới 197 tỷ đồng. Còn với toàn ngành thép, các doanh nghiệp thiệt hại từ 468 tỷ đồng đến 907 tỷ đồng.

Theo ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam, chỉ với lượng tôn Trung Quốc, tôn giả, tôn nhái tại thị trường Việt Nam, mỗi năm ngành thuế thất thu cả nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp cũng thiệt hại tương ứng. Tổng lợi nhuận từ bán hàng giả, hàng nhái ước chừng lên tới 2.000 tỷ đồng.

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong

Sự thật rợn gáy về quán cơm ‘bao no’ ở Sài Gòn

Để kéo khách, các chủ quán cơm ở Sài Gòn đang rỉ tai nhau về một loại bột nở có nguồn gốc từ Pháp mà sau khi cho bột vào gạo và nấu, lượng cơm thu được gấp 2 – 3 lần so với cách nấu thông thường.

Sau nhiều ngày xin vào làm việc tại một quán cơm trên đường Tên Lửa, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM, phóng viên được cô chủ quán tên Huyền giao cho công việc vo gạo, cũng như chuẩn bị công đoạn nấu cơm bán cho khách.

combaono

Trong những ngày đầu mới vào làm việc, công đoạn này tôi không được tiếp cận mà chỉ làm các việc nhỏ nhặt như bưng cơm cho khách, dọn bàn… Sau một thời gian khi đã tin tưởng, cô chủ quán mới chịu giao cho tôi công đoạn vo gạo nấu cơm và tất nhiên là không quên hướng dẫn tôi cách thực hiện nồi cơm Thạch Sanh.

Công thức mà cô Huyền hướng dẫn cho tôi đó là: cứ 3 kg gạo là cho một gói bột nở, nấu khoảng 5 phút bớt nước và rắc thêm một ít bột trên mặt là cơm sẽ thơm ngon và dẻo dai. Theo tìm hiểu của tôi thì đa phần các hàng cơm bụi đều cho khách ăn cơm thêm thoải mái, nhiều quán cơm đều ghi biển “bao no” (ăn khi nào no thì thôi, không tính tiền thêm).

Dù khách có đông đến mấy, cũng chỉ khoảng 30 phút sau là quán đã kịp nấu nồi cơm trắng dẻo, thơm phức nhờ gói bột trắng hóa chất phép màu. Theo sự chứng kiến của tôi thì cứ khoảng 3 – 5 ngày, cô Huyền lại gọi điện thoại cho một đại lý ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) giao hàng, mỗi lần lấy khoảng 100 gói bột này vói giá 6 ngàn đồng/gói.

Theo tiết lộ của một phục vụ quán cơm bao no trên đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình ) thì chỉ cần 2 gói bột màu trắng này có thể hóa phép cho 10 kg gạo nở bung trắng đều, hạt to mẩy khi đã chín thành cơm, tương đương như khi nấu 20 – 25 kg gạo thông thường mà không mất nhiều công. Loại bột này được chủ quán cơm cho biết mua tại chợ Bà Chiểu.

Từ lâu chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) được biết đến là khu chợ lâu đời, buôn bán nhiều loại gia vị nổi tiếng và tiểu thương nào cũng có sẵn mấy chục lượt khách quen đến mua hàng ngày. Chợ bán nhiều loại gia vị từ quế, hồi, đến các loại bột làm bánh, bột nở… và mỗi hàng lại có những loại tạp phẩm không giống ai để cạnh tranh lợi nhuận.

Trong vai một người bán quán tìm mua loại bột để ngâm gạo giúp nấu cơm chín nhanh và nở tơi mẩy gấp đôi số gạo bình thường, chúng tôi tìm tới khu chợ Bà Chiểu dò hỏi. Tuy nhiên khi đến quầy trưng bày gia vị trong chợ, chúng tôi không hỏi ngay được sạp nào bán loại hóa chất này.

Phải mất một lúc lâu tìm kiếm, mới có một chủ sạp kéo nhẹ tay tôi bảo: “Chị có loại bột nở đấy”. Chị Gái (chủ sạp Chị Gái – Anh Tâm) bật mí, loại bột này chỉ bán cho người quen hoặc có khách hỏi mới đưa chứ không bán đại trà. “Cái này là hàng của ngoại mà, hàng của Pháp đấy. Vì đây là loại bột mới, chưa có nhiều người biết đến nên chị chỉ trưng bày vài gói để làm mẫu, khách hỏi chị mới đem ra thôi”, chị Gái tiết lộ.

Thấy có vẻ gặp phải mối, chị chủ quán lôi ra một hũ trong đó có khoảng 10 gói bột màu trắng hồng nhỏ bằng 4 ngón tay và bắt đầu giới thiệu: “Đây chính là loại bột mà em cần tìm, chỉ cần cho một gói vào 3 kg gạo là giúp hô biến gạo thành cơm nhanh chóng và lượng cơm bằng em nấu 6 kg gạo”.

Theo quan sát của chúng tôi, bên ngoài vỏ gói bột ghi hầu hết bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn mác hay hạn sử dụng nhưng chủ sạp vẫn khẳng định đây là hàng nhập.

Xé vỏ giấy ra bên trong là thứ bột trắng, nhỏ mịn như đường cát và có mùi thơm nhẹ. Tuy nhiên, gói giấy bọc vỏ bên ngoài lại in chữ Trung Quốc và có hình cô gái nội trợ. Hỏi cách sử dụng bột sao cho hiệu quả, chị Gái bật mí: “Chỉ cần ngâm 15 – 20 kg gạo chung với 5 gói nhỏ loại bột này rồi đem hấp khoảng 1 tiếng, gạo sẽ nở bung, cho lượng cơm nhiều gấp đôi so với bình thường. Thêm nữa, loại bột này còn có tác dụng làm cơm chín rất nhanh. Ngâm bột này vừa giúp gạo nở nhanh, nhiều và chín mau mà không mất công làm gì cả, lợi lắm đấy”.

Chúng tôi tỏ vẻ không tin, chị Gái tiếp tục trấn an “Em cứ xài thử, nếu không nở gấp đôi, đem đến đây chị bù tiền gấp 10 lần cho em”. Chị Gái còn chia sẻ thêm: “Khách của chị hầu hết là chủ quán cơm bình dân, em không phải lo, cứ an tâm mà dùng, có gì khó hiểu alo chị hướng dẫn cho”.

Chúng tôi đánh bạo hỏi thêm vài điều về gói bột thần này, chị Gái không giấu diếm: “Một đĩa cơm giá 12.000 – 15.000 đồng, tính tất cả chi phí và lại còn bao no nữa chứ. Thử hỏi không có loại bột này, ai dám bao no cho khách? Thế nên chủ quán cơm đến đây hỏi mua gói bột này rất nhiều, vì họ làm như vậy mới có lãi”.

Sau khi mua 5 bịch bột trắng, chúng tôi tiếp tục theo chân 1 chị bán hàng cơm vỉa hè ở Bình Thạnh hỏi về công dụng loại bột xem có đúng không, vì “bọn em muốn mở quán cơm bình dân”. Chị Thùy, 35 tuổi, thâm niên bán cơm vỉa hè 5 năm cho biết, dân trong nghề gọi bột này là bột nở có tác dụng làm thịt nhỏ to ra gấp 2, hạt gạo ngâm đem hấp lên to ra gấp 2,3 lần mà chẳng cần công sức gì cả.

Vì vậy “một ngày ước tính bán 40kg gạo, nhưng kỳ thực chúng tôi chỉ bỏ tiền mua 15 – 20 kg gạo thôi bởi cho bột vào ngâm gạo rồi hấp lên ra cơm nở, xốp và chín nhanh, mà được nhiều lắm. Nhưng cơm ăn không được dẻo, sống sượng”. Vừa nói chị Thùy vừa đẩy mấy thau gạo mới ngâm, quấy thêm ít bột và chuẩn bị đưa vào nồi hấp cho cơm nở, chuẩn bị bán buổi trưa.

Ghé qua quán bán cơm gần bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh ), chúng tôi luôn thấy chủ quán rất xởi lởi đong 1 bát cơm trắng to đùng khi khách gọi xin thêm. Thức ăn nhiều, cơm ngon, lại mong muốn giá rẻ, nên chủ quán cơm như chị Thùy phải nghĩ cách sao cho thịt đẻ 2, cơm sinh 3 mới mong có lời.

Nhiều khách ăn cơm rẻ hàng ngày cho biết, họ ít khi quan tâm đến việc cơm ra sao mà chỉ chăm chăm xem rau, thịt, cá có sạch và ôi thiu hay không. Vì thế việc cơm nở từ gạo ngâm bột trắng hóa chất gì đó với họ là ngoài sức tưởng tượng. Anh Nguyễn Quang Sáng, nhân viên văn phòng ở Bình Thạnh cho biết: “Hàng ngày tôi vẫn ăn cơm 15.000 đồng/suất, đầy đủ rau, thịt, cá và chủ quán còn hào phóng miễn phí thêm cơm nên đây là quán ruột”.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – giám đốc trung tâm dinh dưỡng TP HCM cho biết, loại bột mà phóng viên đề cập tới là một loại hóa chất giúp giữ hơi nước trong hạt gạo cũng như tổng hợp các chất khí giúp hạt gạo nở to hơn bình thường, và chính điều này có thể nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Chưa kể việc các quán cơm sử dụng một loại bột không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hướng dẫn sử dụng là sai quy định và vi phạm pháp luật.

Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm được nhiều người rất quan tâm và Cục an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y Tế cũng liên tục đưa ra những khuyến cáo cho người dân nên chọn những loại thức ăn có nguồn gốc xuất xứ, hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên đối với tầng lớp như sinh viên, người lao động nghèo thì lại không có điều kiện và cơm bụi vẫn là lựa chọn số 1 đối với họ.

Thạc sĩ Trương Quốc Khánh – Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho rằng, hiện tại không thể quản lý nổi đối với loại hình thức ăn đường phố do không đủ năng lực cán bộ, cán bộ trạm y tế quá thiếu, quá yếu và thay đổi liên tục.

Vấn đề là các đối tượng kinh doanh quán cơm đường phố hầu hết là dân nghèo, vì mục đích mưu sinh nên thường bỏ qua hoặc không biết về các yếu tố ô nhiễm, nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm và bất chấp tất cả chỉ nhằm mục đích mang lại lợi nhuận. Như vậy, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, việc nâng cao ý thức cho những người bán hàng thức ăn đường phố, cũng như nâng mức độ nghiêm khắc của các chế tài xử lý phạt là rất cần thiết.

Mai Phương