Tag Archive | giấu nghề

Giấu nghề là đúng hay sai?

Trong kinh doanh, nhất là đối với những nghề gia truyền, mỗi người thường có một bí quyết riêng mà không phải ai họ cũng sẵn sàng chỉ dạy. Có những gia đình chỉ truyền nghề cho con trai trong nhà, nhà nào không có con trai thì coi như nghề đó bị thất truyền. Chắc hẳn nhiều bạn sẽ thắc mắc tại sao phải giấu nghề? Nếu nghề của họ được truyền bá rộng rãi thì chẳng phải là giúp ích cho nhiều người và cho xã hội hay sao?

Trên thực tế, để tạo ra một sản phẩm chất lượng, người thợ phải bỏ ra không ít công sức và tâm huyết. Do vậy, với họ đó thực sự là một báu vật, không dễ gì có được. Nếu gặp ai cũng truyền nghề, cũng chia sẻ hết tâm huyết thì đôi khi kết quả không được như ý mà họ lại còn mang họa. Có câu chuyện kể về một hãng đóng tàu nọ ở châu Âu, sau một thời gian phát triển, mới có ý định mở rộng thị trường sang Trung Quốc. Thương nhân Trung Quốc làm đại lý cho hãng tàu đó thời gian đầu rất uy tín, thanh toán đầy đủ, đúng hạn. Sau đó, họ ngỏ ý muốn chuyển giao công nghệ đóng tàu. Người bên châu Âu cũng đồng ý và chỉ dẫn tận tình. Sau này, khi đã nắm vững bí quyết, thương nhân Trung Quốc bèn mở một hãng đóng tàu ở châu Âu, cạnh tranh trực tiếp với đối tác lâu năm của mình và cuối cùng người đó phải phá sản. Đó là lý do chủ yếu khiến nhiều người không muốn chỉ dẫn bí quyết của mình cho người khác. Nếu truyền nghề cho người có tâm không tốt, họ sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình và gây hại cho chính người thầy đã tận tâm truyền dạy họ.

Một nguyên nhân khác của việc giấu nghề là không phải ai cũng có khả năng lĩnh hội và thực hành được. Lúc đó, bao nhiêu công sức và tâm huyết của người thầy cuối cùng cũng sẽ chẳng mang lại lợi ích gì. Mặt khác, nhiều người không hề coi trọng giá trị của tri thức. Họ cho rằng kinh nghiệm và nhận thức của người khác là những thứ cho không, có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu. Họ không trân trọng những gì mà người thầy hoặc người có kinh nghiệm đi trước trao tặng. Trên đời này, phàm là những gì miễn phí hoặc được cho không, vô điều kiện cũng thường vô giá trị hoặc có giá trị rất thấp. Chính vì vậy, tôi biết có rất nhiều người tâm huyết, không muốn nghề của mình mai một, nhưng sau bao năm khổ công tìm kiếm, họ cũng không có được người đủ tâm, đủ tài để truyền nghề.

Một số người thấy người khác thành công hay có một kỹ năng đặc biệt gì đó, liền muốn học hỏi. Nhưng không phải ai cũng được chỉ dạy tận tình. Có bạn viết mail hỏi tôi với thái độ rất trịnh thượng, bất lịch sự. Bạn đừng vội oán thán hay trách móc người khác không chỉ cho mình cụ thể mà hãy tự hỏi mình trước. Bạn đã hỏi họ với tâm thế như thế nào? Có tôn trọng người hỏi và tri thức mà mình được nhận không và đã đủ chân thành hay chưa?

Có người nói “tri thức là những bông hoa ngạt ngào hương sắc”, nhưng tôi cho rằng, tri thức là “kho báu vô hình” mà không phải ai ta cũng có thể trao tặng một cách tùy tiện. Kho báu đó nếu rơi vào tay kẻ xấu sẽ trở thành mối họa cho xã hội, ngược lại nếu không được trao đúng người, cũng sẽ đành lụi tàn, mai một. Với những người tâm huyết, tôi không cho rằng họ giấu nghề, mà chỉ là do họ chưa tìm được người xứng đáng để truyền nghề mà thôi.

Capro

07/04/2016