Triết lý đạo đức phương Tây hiện đại

Mặc dù triết lí đạo đức được phát triển ở các nước phương Tây từ rất lâu, nhưng ảnh hưởng của nó trong các hoạt động kinh doanh cũng mới phát triển trong một quãng thời gian rất ngắn. Quá trình phát triển về đạo đức kinh doanh ở các nước Bắc Mĩ có thể chia thành 5 giai đoạn và vẫn đang tiếp tục phát triển cho đến nay. Đạo đức kinh doanh đã thay đổi rất nhanh khi hầu hết các tổ chức nhận ra những lợi thế của việc chú trọng hơn đến hành vi đạo đức trong kinh doanh, mối liên hệ giữa đạo đức kinh doanh và kết quả hoạt động về mặt tài chính.

1. a) Trước năm 1960: “Kinh doanh cần đến đạo đức”.

Trước năm 1960 là một thời kì đầy trăn trở của những câu hỏi liên quan đến chủ nghĩa tư bản. Vào những năm 1920, nước Mĩ đã xuất hiện “phong trào tiến bộ” đấu tranh đòi đảm bảo cho người lao động một mức tiền công đủ sống, mức thu nhập đủ để đảm bảo cho việc tái sản xuất sức lao động, chi tiêu cho giáo dục, y tế và hưu trí. Các công ty được yêu cầu phải xem xét lại việc tăng giá trị bất hợp lí và việc sử dụng các biện pháp kinh doanh khác có thể gây tổn hại đến “mức tiền công đủ sống” của các hộ gia đình. Cùng với cuộc cải cách ở những năm 1930, làn sóng phê phán các công ty trong việc gây ra những hậu quả bất lợi về kinh tế và xã hội cũng dâng cao. Người ta yêu cầu các công ty phải hợp tác chặt chẽ hơn với chính phủ để cải thiện thu nhập và phúc lợi cho dân chúng. Đến những năm 1950, những cải cách mới đã đưa trách nhiệm về môi trường trở thành vấn đề đạo đức đối với các doanh nghiệp.

Cho đến những năm 1960 các vấn đề đạo đức gắn với các hoạt động kinh doanh thường được thảo luận chủ yếu về mặt lí thuyết. Thông qua các tổ chức và các hoạt động tôn giáo, các vấn đề đạo đức của cá nhân trong kinh doanh được đưa ra bàn cãi rất rộng rãi. Những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo thường nêu lên những câu hỏi về những vấn đề liên quan đến đạo đức như mức tiền công xứng đáng, điều kiện lao động hợp lí để mọi người suy nghĩ và hành động. Hàng loạt bài thuyết giáo về đạo đức xã hội đã nhấn mạnh đến những vấn đề về đạo đức trong kinh doanh như quyền của người lao động, mức tiền công đủ sống; nhưng chủ yếu là vì lí do nhân văn hơn là vì lí do vật chất trong việc cải thiện điều kiện sống cho dân nghèo. Một số trường đại học và cao đẳng của thiên chúa giáo bắt đầu đưa vào chương trình những bài giảng về đạo đức xã hội. Những người tiên phong đã biên soạn những bài giảng về đạo đức cho các chương trình đào tạo về tôn giáo và nhấn mạnh đến các vấn đề đạo đức trong các hoạt động kinh doanh. Đạo đức trong lao động theo quan điểm của những người tiên phong là khích lệ mọi người tiết kiệm, chăm chỉ và nỗ lực. Những truyền thống tôn giáo như vậy đã tạo ra nền tảng cho sự phát triển trong tương lai của bộ môn đạo đức kinh doanh ở phương Tây. Mỗi tôn giáo đều tìm cách vận dụng quan niệm về đạo đức theo cách riêng của mình không chỉ vào các lĩnh vực kinh doanh mà còn trong các lĩnh vực như nhà nước, chính trị, gia đình, cuộc sống riêng tư và nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống.

1. b) Những năm 1960: “Các vấn đề xã hội trong kinh doanh xuất hiện”.

Trong những năm 1960, xã hội Mĩ tập trung vào các vấn đề gốc rễ hơn. Những thái độ chống đối giới kinh doanh đã tìm mọi cách chỉ trích những kẻ trục lợi giấu mặt kiểm soát các khía cạnh kinh tế và chính trị của xã hội – đó là những tổ hợp công nghiệp quân sự. Những năm 1960 đã phải chứng kiến tình trạng tàn phá cảnh quan ở các khu đô thị và sự gia tăng các vấn đề về sinh thái, như ô nhiễm không khí, xả chất thải độc hại, phóng xạ ra môi trường sống. Sự phát triển của “chủ nghĩa tiêu dùng” là một tất yếu do ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức tìm cách bảo vệ quyền lợi bản thân với tư cách người tiêu dùng. Năm 1962, Tổng thống Mĩ đã đưa ra một “thông điệp đặc biệt về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” trong đó nêu rõ bốn quyền cơ bản của người tiêu dùng cần được bảo vệ là quyền được hưởng sự an toàn, quyền được biết, quyền được lựa chọn, và quyền được lắng nghe – trở thành phổ biến với tên gọi là “Tuyên bố về quyền của người tiêu dùng” (Consumers’ Bill of Rights).

Phong trào người tiêu dùng mới được coi là bắt đầu nổi lên từ năm 1965 với việc ra đời của cuốn Không an toàn ở mọi tốc độ (Unsafe at Any Speed) của Ralph Nader phê phán ngành chế tạo xe hơi nói chung, công ty GM nói riêng, đã đặt lợi nhuận của công ty và hình thức bề ngoài của sản phẩm lên trên sinh mạng và an toàn của người sử dụng. Kiểu xe Convair của GM là đối tượng bị chỉ trích trong tác phẩm của Nader. Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng do ông lập ra đã thắng lợi khi khiếu nại đòi các nhà sản xuất xe hơi phải lắp thêm thắt lưng bảo hiểm, bảng điều khiển mềm, chốt cửa chắc chắn, gối đỡ đầu, kiếng chống bụi không văng mảnh, trục tay lái gấp được. Những nhà hoạt động vì người tiêu dùng cũng đã thúc đẩy việc thông qua một loạt điều luật bảo vệ người tiêu dùng như đạo luật về thực phẩm tươi sống an toàn (1967), đạo luật về kiểm soát phóng xạ an toàn và vệ sinh (1968), đạo luật về nước sạch (1972) và đạo luật chất thải rắn độc hại (1976).

Đầu những năm 1970 chính phủ Mĩ với chủ trương Đại xã hội (Great Society) song song với việc bành trướng chủ nghĩa tư bản quốc gia cũng đã nhấn mạnh với cộng đồng kinh doanh về trách nhiệm của chính phủ trong việc đảm bảo cho dân chúng một mức độ ổn định nhất định về kinh tế. Những hoạt động có thể dẫn đến tình trạng mất ổn định bắt đầu được coi là vô đạo đức và phạm pháp.

1. c) Những năm 1970: “Đạo đức kinh doanh là một lĩnh vực mới”.

Đạo đức kinh doanh bắt đầu trở thành một lĩnh vực khoa học vào đầu những năm 1970. Những học giả và những nhà tư tưởng tôn giáo đã đặt nền móng cho bộ môn khoa học này qua việc đề nghị rằng cần áp dụng một số nguyên tắc giáo lí nhất định đối với các hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở này, các trường đại học bắt đầu viết sách và giảng dạy những vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các nhà triết học bắt đầu tham gia bằng cách vận dụng các phương pháp phân tích triết học vào lí luận về đạo đức để hình thành những nguyên lí về đạo đức kinh doanh. Giới kinh doanh ngày càng quan tâm đến hình ảnh của họ trong mắt công chúng, và khi yêu cầu của xã hội càng cào nhiều doanh nghiệp đã nhận ra rằng họ phải đối diện thường xuyên hơn với các vấn đề đạo đức. Sau vụ Watergate tai tiếng của chính quyền Nixon, công chúng ở Mĩ càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề đạo đức. Trách nhiệm xã hội trong các hoạt động quản lí ở mọi cấp được đưa ra tranh luận nhiều hơn. Các trung tâm nghiên cứu và xử lí các vấn đề đạo đức kinh doanh được thành lập, đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài được ban hành.

Đến cuối những năm 1970, một loạt vấn đề đạo đức kinh doanh nảy sinh như hối lộ, quảng cáo lừa gạt, thông đồng/câu kết về giá, vệ sinh và an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường … Đạo đức kinh doanh đã trở thành một từ ngữ phổ biến và không còn là mĩ từ sáo rỗng. Các nhà nghiên cứu tìm cách xác minh những vấn đề đạo đức và cách thức các doanh nghiệp hành động trong các hoàn cảnh tương tự. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong giai đoạn này ít quan tâm đến quá trình ra quyết định định hướng đạo đức cũng như việc xác định những tác nhân có thể gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định định hướng đạo đức trong các tổ chức.

1. d) Những năm 1980: “Thống nhất quan điểm về đạo đức kinh doanh”.

Trong những năm 1980 các nhà nghiên cứu và thực hành đạo đức kinh doanh đã nhận ra rằng đây là một lĩnh vực đầy triển vọng. Ngày càng có nhiều đối tượng khác nhau quan tâm đến việc nghiên cứu đạo đức kinh doanh. Môn học đạo đức kinh doanh được đưa vào chương trình đào tạo của nhiều trường đại học, nhiều ấn phẩm được phát hành, hội thảo được tiến hành ở khắp nơi … Đạo đức kinh doanh cũng trở thành chủ đề được quan tâm thường xuyên ở nhiều công ty lớn như GE, Chase Manhattan Corporation, GM, Caterpillar … Nhiều hội đồng về đạo đức và chính sách xã hội được thành lập ở các công ty để tư vấn, hoạch định và thực hiện các hoạt động liên quan đến đạo đức trong kinh doanh.

Năm 1986, mười tám chủ thầu trong lĩnh vực quốc phòng đã cùng nhau biên soạn những nguyên tắc về đạo đức và hành vi kinh doanh. Sáng kiến về hành vi và đạo đức kinh doanh của ngành công nghiệp quốc phòng (Defence Industry Initiative on Business Ethics and Conduct) này có tác dụng hỗ trợ rất tích cực cho các doanh nghiệp trong việc thực hành đạo đức trong kinh doanh. Sáng kiến này đã hỗ trợ cho việc hình thành những chuẩn mực đạo đức và phổ biến chúng một cách rộng rãi. Sáu nguyên tắc của phong trào này đã trở thành nền tảng cho những hướng dẫn soạn thảo luật đối với doanh nghiệp của Ủy ban Lập pháp Mĩ. Đến năm 2000, số lượng các công ty đăng kí là thành viên tăng lên đến con số 47.

Sau đây là sáu nguyên tắc của sáng kiến về hành vi và đạo đức kinh doanh của ngành công nghiệp quốc phòng Mĩ:

– Mọi thành viên phải trợ giúp việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức và phổ biến chúng một cách rộng rãi.

– Mọi thành viên phải tiến hành các khóa tập huấn về đạo đức kinh doanh và tạo thuận lợi về phương tiện giao tiếp để trợ giúp cho quá trình đào tạo.

– Mọi thành viên phải thiết lập bầu không khí cởi mở tạo thuận lợi cho mọi người phát hiện và công khai các hiện tượng vi phạm mà không sợ bị trù dập.

– Mọi thành viên phải tiến hành thanh tra nội bộ thường xuyên cũng như xây dựng kế hoạch công bố và ủng hộ việc phát giác.

– Mọi thành viên phải kiên quyết duy trì sự thống nhất trong ngành (công nghiệp quân sự).

– Mọi thành viên phải kiên trì theo đuổi phương châm nêu cao trách nhiệm xã hội.

Cuối những năm 1980, có những thay đổi trong quan điểm của công chúng Mĩ. Thay vì coi trọng sự kiểm soát của chính phủ, dân chúng cho rằng việc tự kiểm soát bản thân của mỗi người mới quan trọng. Nhiều khoản thuế quan và rào chắn thương mại được dỡ bỏ, sáp nhập công ty và chuyển hướng kinh doanh trong môi trường quốc tế ngày càng cởi mở. Nhiều trường đại học đã coi các khóa học về đạo đức kinh doanh là một môn học thiết thực để trang bị những qui tắc kinh doanh cần thiết trong một môi trường ngày càng trở nên phức tạp, ít được kiểm soát bởi các qui định của chính phủ. Trong những bối cảnh như vậy, nhiều công ty trong nước khi bắt đầu vươn ra thị trường quốc tế đều cảm thấy bị rơi vào tình trạng mắc kẹt trong mớ bòng bong về những giá trị, luật lệ và những qui tắc hành xử quen thuộc không còn tác dụng. Trong khi các công ty được tự do hơn để ra quyết định kinh doanh, chính phủ cũng soạn thảo những hướng dẫn và qui định pháp lí để khống chế các công ty khi có hiện tượng vi phạm.

1. e) Những năm 1990: “Thể chế hóa đạo đức kinh doanh”.

Quan điểm tự kiểm soát và tự do hóa thương mại càng được chính phủ của Tổng thống Bill Clinton ủng hộ mạnh mẽ. Chính phủ Mĩ đã không hoàn toàn nhất quán khi hành động. Chủ yếu được chú trọng là các vấn đề xã hội liên quan đến sức khỏe, ví dụ tình trạng hút thuốc của trẻ vị thành niên dẫn đến việc cấm quảng cáo thuốc lá, cấm hình thức bán thuốc lá bằng máy tự động, cấm trang trí biểu tượng của các hãng thuốc lá trong các sự kiện thể thao. Chính phủ của Bill Clinton ủng hộ quan điểm dựa vào chính các công ty để kiểm soát hành vi sai trái và những thiệt hại có thể gây ra cho xã hội.

Bản Hướng dẫn Lập pháp liên bang đối với công ty được quốc hội Mĩ thông qua tháng 11/1991 đã đặt nền móng cho việc xây dựng các chương trình thỏa ước về đạo đức công ty trong suốt những năm 1990. Bản hướng dẫn là một bước ngoặc quan trọng; lần đầu tiên nó đã đưa ra những hình thức khuyến khích pháp lí đối với những công ty tiến hành những biện pháp ngăn chặn hành vi sai trái, như xây dựng các chương trình thỏa ước về đạo đức nội bộ có hiệu lực. Bản hướng dẫn cũng đưa ra những điều khoản áp dụng hình phạt nhất định đối với những công ty, tổ chức tìm cách tránh né trách nhiệm đối với các hành vi sai trái, thiết lập những tiêu chuẩn đạo đức, pháp lí chặt chẽ. Bản hướng dẫn kêu gọi các công ty hợp tác với chính phủ để tiến hành các hoạt động nhằm ngăn chặn và phát hiện các hành vi sai trái.

Chính phủ Mĩ đã thành lập một tiểu ban lập pháp liên bang để thể chế hóa các chương trình thỏa ước đạo đức và giúp ngăn chặn các hành vi sai trái. Theo qui chế mới, các tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi sai trái do nhân viên gây ra. Nếu một công ty không có các chương trình thỏa ước về đạo đức có hiệu lực thật sự và có nhân viên vi phạm pháp luật, công ty có thể phải chịu những hình phạt khắc nghiệt. Quan điểm chủ đạo của bản hướng dẫn là khuyến khích các công ty tìm cách ngăn chặn các hành vi sai lầm, để qua đó các công ty có thể loại trừ những thiệt hại to lớn do phải chịu các hình phạt khi vi phạm. Cách tiếp cận cứng nhắc bằng các qui định pháp lí có tác dụng không đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp từ bỏ những lợi ích trước mắt, ngay cả hình phạt là rất nặng khi bị phát hiện. Quan điểm được cho là tích cực hơn đòi hỏi các công ty xây dựng bản sắc riêng, hình thành những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức và hành vi đặc thù của công ty để ngăn chặn các hành vi sai phạm.

1. f) Bắt đầu từ năm 2000:

Đạo đức kinh doanh ngày nay càng được nhiều người quan tâm. Những vấn đề đạo đức trong kinh doanh được nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau như pháp lí, triết học, lí luận về khoa học xã hội, khoa học quản lí … Chúng được nghiên cứu với quan điểm thiết thực trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại trong thực tiễn quản lí hàng ngày. Việc nghiên cứu về đạo đức kinh doanh không hàm nghĩa thuần túy áp dụng hay áp đặt các qui tắc về điều gì nên/được phép hay không nên/không được phép làm trong những hoàn cảnh cụ thể, mà liên hệ một cách có hệ thống những khái niệm về trách nhiệm đạo đức với việc ra quyết định trong một tổ chức. Những người quản lí doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các chính phủ đang tìm cách xây dựng những chỉ dẫn cụ thể, có hệ thống có thể giúp các cá nhân, tổ chức ra các quyết định hợp lí về đạo đức.

Hiện nay việc nghiên cứu và thực hành đạo đức trong kinh doanh có xu thế không còn dựa vào những qui định pháp lí về đạo đức để xây dựng các chương trình hành động, mà hướng tới xây dựng bản sắc văn hóa và sự đồng thuận trong tổ chức. Nhiều tổ chức đều nhận ra rằng các chương trình đạo đức kinh doanh thực thụ có thể góp phần quan trọng vào sự thành công của công việc kinh doanh. Các chương trình hành động vì đạo đức kinh doanh trong tổ chức thường nhấn mạnh vào việc làm rõ và đạt được sự đồng thuận về những giá trị đặc trưng có thể tạo nên bản sắc riêng của tổ chức; mỗi cá nhân cũng như toàn bộ tổ chức cần tôn trọng và cam kết hành động vì các giá trị này. Sai lầm trong những hành động về mặt đạo đức có thể làm mất uy tín của một tổ chức hay làm xấu đi hình ảnh về sản phẩm của một công ty.

Môi trường lao động coi trọng đạo đức kinh doanh có tác dụng tạo nên sự tin cậy giữa các cá nhân, bộ phận, đơn vị trong một tổ chức. Thực tế đã cho thấy những công ty thành công trong việc tạo ra môi trường lao động tin cậy lẫn nhau luôn đạt được hiệu quả cao hơn trong mọi hoạt động.

Chat Master

About caprovn

Capro là một chuyên trang nghiên cứu và viết dự án làm giàu. Bạn nào có nhu cầu vui lòng liên hệ với Admin theo địa chỉ E-mail: caprovn@gmail.com. Chúc các bạn những gì tốt đẹp nhất!

Bình luận về bài viết này