Tag Archive | đầu tư

Làm giàu cần thận trọng!

Hôm nay, tôi đọc được một bài báo nói về câu chuyện khởi nghiệp thành công của một nhà phát minh trẻ. Với mong muốn tận dụng nguồn chất thải từ nghề sản xuất bột sắn, rong riềng, góp phần làm sạch môi trường, anh ta đã nghiên cứu và cải tạo bùn thải thành phân bón hữu cơ tổng hợp. Hiện tại, công ty của anh có gần 20 công nhân, mỗi năm sản xuất 1.400 tấn phân hữu cơ. Nhưng để đạt được thành công này, anh ta đã phải trả giá khá đắt. Ban đầu, vì không có vốn, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng 60 triệu VND để đầu tư sản xuất, nhưng sau đó vì không bán được sản phẩm nên đã bị ngân hàng niêm phong nhà cửa, cả gia đình phải ở trong gian bếp tạm 10m2, thậm chí tiền học của 4 đứa con cũng phải khất nợ hàng chục lần.

Câu chuyện trên có lẽ sẽ làm sôi sục ý chí làm giàu của các bạn trẻ. Nhiều bạn sẵn sàng vay vốn để lao vào thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình. Có đam mê, có quyết tâm là tốt, bởi không có đam mê thì hành động không mạnh mẽ, hành động không mạnh mẽ thì sẽ không đạt được thành quả lớn. Thế nhưng, nếu câu chuyện rẽ sang một hướng khác thì các bạn sẽ nghĩ sao? Tôi biết có rất nhiều người trong hoàn cảnh khó khăn không hề được sự ủng hộ của người thân, bạn bè, thậm chí gia đình cũng rời bỏ. Nếu trong hoàn cảnh bị niêm phong nhà, vợ, con cũng bỏ anh ta đi để tìm cách duy trì cuộc sống thì liệu anh ta có gượng dậy nổi không? Trên thực tế, chuyện này là không hiếm, dưới đây là một ví dụ:

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, tôi đã trải qua nhiều vị trí công việc từ nhân viên phòng nhân sự, chuyên viên, phó phòng dự án đầu tư, trưởng phòng rồi giám đốc nhân sự tại một số công ty nhà nước lẫn 100% vốn nước ngoài.

Tháng 7 vừa qua, tôi từ bỏ vị trí giám đốc nhân sự với mức lương 2.000 USD mỗi tháng để bắt tay vào khởi nghiệp với dự án ngân hàng hồ sơ ứng tuyển. Đây không phải là lần kinh doanh đầu tiên của tôi. 8 năm trước, tôi đã từng start-up thất bại với mô hình trồng rau an toàn tại Đồng Tháp.

Đầu năm 2007, khi đang là nhân viên một công ty xây dựng tại Tây Nam Bộ, nhận thấy nhu cầu về rau an toàn bắt đầu manh nha trên thị trường, tôi đã nghỉ việc để chuyên tâm sản xuất kinh doanh. Dùng toàn bộ 200 triệu đồng tích cóp của hai vợ chồng và một phần vốn vay từ người thân, tôi thuê 4,5 ha đất và đầu tư quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Mọi thứ đã diễn ra rất suôn sẻ, sau gần 2 năm hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, bắt đầu cho lợi nhuận.

Nhưng chỉ sau một đêm lũ tràn về, toàn bộ khu trồng rau bị ngập trắng. Khác với lũ miền Bắc rút nhanh, lũ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ phải mất 2-3 tháng mới cạn nước. Tâm huyết, tiền bạc, công sức không cứu vãn được gì ngoài một phần diện tích trồng rau mầm không bị ngập, tôi chỉ còn biết trông chờ doanh thu vào số lượng rau ít ỏi của phần diện tích này.

Thực tế khi đó, nhiều người chưa quen sử dụng rau mầm nên sức tiêu trên thị trường khá hạn chế. Để cơ sở có thể cầm cự, tôi tìm cách mở rộng thị trường rau mầm ra Hà Nội. Để lại vợ con trong Nam, một mình tôi ra Bắc dò dẫm tìm kiếm thị trường, vừa sản xuất, kinh doanh. Cũng may được gia đình tại quê nhà hỗ trợ nhân công cắt rau, đóng hộp, vận chuyển đến các chợ đầu mối, nên tôi cũng đỡ vất vả phần nào. Song với chi phí đầu tư hạn hẹp, sản phẩm rau mầm không được quảng bá rộng rãi, nên dù chất lượng tốt rau vẫn không thể vào các siêu thị.

Vài tháng sau, đúng lúc sản phẩm rau mầm của tôi cũng bắt đầu có chỗ đứng tại miền Bắc, thì gia đình trong Nam lại gặp trục trặc. Tôi phải bỏ dở hết để quay vào Nam. Không thể tìm được đối tác tin cậy, am hiểu sản phẩm để giao phó, tôi đành để dự án rau sạch phá sản. Mất vốn, thất nghiệp, gia đình trước nguy cơ ly tán… thú thật khi đó tôi đã triền miên trong bia rượu, tuyệt vọng suốt mấy tháng liền.”

Phần lớn nguyên nhân dẫn tới thất bại của người khởi nghiệp là không tìm được đầu ra và cạn vốn. Tôi nghĩ rằng đối với câu chuyện thứ nhất, sai lầm của anh nông dân kia là đã vội vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất trong khi đầu ra chưa ổn định. Những khó khăn như bị niêm phong nhà, thiếu tiền sinh hoạt gia đình hoàn toàn có thể hạn chế được nếu như anh ta tìm cách tiến từ từ, sản xuất từng chút một sau đó mới đem chào hàng. Khi khách hàng đã quen và công nhận chất lượng sản phẩm của mình mới nên vay vốn, mở rộng sản xuất.

Hành động mạnh mẽ, quyết đoán không có nghĩa là hành động thiếu suy xét, không có dự trù, kế hoạch rõ ràng. Hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng làm giàu là phải liều mạng. Một khi bạn hành động như vậy, hậu quả nhẹ nhàng nhất cũng là trắng tay. Thiết nghĩ tại sao những mô hình đầu tư tiền ảo, kinh doanh đa cấp lừa đảo vẫn thành công? Đó chính là vì nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm tới lợi nhuận được hứa hẹn mà không hề biết bộ máy đó vận hành như thế nào để sinh ra lợi nhuận. Nếu ai khuyên can thì ra sức nói rằng nếu không có quyết tâm, không có ý chí thì không thể làm giàu được.

Tỷ phú Warren Buffet có khuyên rằng :“Rủi ro lớn nhất đến từ việc không hiểu rõ bản thân đang làm gì. Ngay cả khi có những vấn đề có liên quan đến may rủi thì khả năng của bản thân vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng”. Ở hai câu chuyện trên đây, người khởi nghiệp đều hiểu rõ con đường mà họ phải đi mà còn gặp khó khăn, thất bại nữa là những nhà đầu tư “tay mơ”, nhắm mắt làm liều.

Trong cuộc sống, mặc dù có những lúc chưa đủ thông tin cần thiết, chúng ta vẫn phải ra quyết định. Thế nhưng, sau một thời gian dài hoạt động, nghiên cứu, kiểm chứng, bạn phải biết cách để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Đối với một dự án kinh doanh, hãy nghĩ tới việc tiếp thị sản phẩm, dịch vụ, tìm thị trường trước khi đầu tư ồ ạt, sản xuất hoặc mua về một núi hàng rồi không bán được. Đối với đối tác, hãy chọn người có năng lực, thẳng thắn, chân thành và cùng chí hướng với bạn. Một người bạn không bao giờ nói với bạn những lời thành thực, khi hợp tác chỉ muốn phần lợi về mình, là đối tượng mà bạn nên tránh xa.

Làm giàu bao giờ cũng vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, bạn càng nên thận trọng!

Capro

15/03/2016

Tại sao người giàu tiết kiệm?

Để trả lời được câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải hiểu được sự thật về việc làm giàu. Việc bạn kiếm được 10 triệu đồng hày 100 triệu đồng một tháng không quan trọng nếu như bạn sử dụng hết số tiền mà mình kiếm được. Điều cơ bản giúp bạn giàu hơn là thường xuyên chi tiêu ít hơn thu nhập của mình. Trên thực tế, những người giàu có thực sự thường không phải là những người chuyên tiêu xài xa xỉ và có lối sống vương giả. Ngược lại, họ là những người làm việc chăm chỉ, quan tâm về giá trị của những thứ họ mua và sử dụng đồng tiền của mình một cách đúng đắn nhất.

tai-sao-nguoi-giau-tiet-kiem

Một bài báo mới đây đăng trên VNExpress, mô tả về thói quen tiết kiệm của một số tỷ phú như Warren Buffet, Mark Zuckerberg hay Carlos Slim Helu đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Đa phần bày tỏ sự ngưỡng mộ, tuy vậy, một số người không hiểu cho rằng họ “keo kiệt”, là “nô lệ của đồng tiền”. Những người này có cái nhìn hết sức thiển cận và không phân biệt nổi hai khái niệm “tiết kiệm” và “keo kiệt”. Tiết kiệm nghĩa là chi tiêu đúng mực, sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả nhất chứ không phải bất chấp sức khỏe, hạnh phúc của mình để bảo vệ đồng tiền. Những người giàu đích thực, họ dùng số tiền tiết kiệm được để đầu tư một cách hiệu quả, để làm từ thiện… chứ không phải để nhìn ngắm chúng như những ông thần giữ của.

Một đồng tiết kiệm được bao giờ cũng có ý nghĩa hơn so với một đồng thu nhập tăng thêm. Bởi lẽ số tiền bạn dành dụm được chứng tỏ khả năng kiểm soát tài chính cá nhân tốt, số tiền đó có thể được tái đầu tư để sinh sôi nảy nở thêm. Đối với người giàu, một đồng ở hiện tại là hàng ngàn đồng trong tương lai. Do đó, họ không bao giờ phung phí tiền bạc vào những thú vui xa xỉ hoặc những vật dụng chỉ để phô trương.

Nếu ví việc làm giàu giống như một trận đấu bóng thì việc chi tiêu giống như phòng thủ. Lối bóng tấn công náo nhiệt luôn làm đẹp lòng khán giả, thế nhưng việc phòng thủ tốt mới giúp bạn giành chiến thắng. Tiền bạc cũng vậy. Việc kiếm tiền, tăng doanh số cho công ty là quan trọng, nhưng để dành chiến thắng, nhất là đối với những công ty nhỏ, những người bình dân, thì lại bạn lại cần kiểm soát tốt chi tiêu – phòng thủ.

Có rất nhiều điều lãng phí quanh chúng ta hàng ngày, nhưng ít người có ý thức tiết kiệm. Một công ty có thể để đèn sáng suốt ngày đêm ở những nơi không cần thiết, sử dụng giấy bừa bãi hoặc để nước chảy tràn lan. Một gia đình khá giả có thể xây một ngôi nhà quá rộng rãi, phô trương so với nhu cầu, dẫn tới chi phí điện, nước, bảo trì gia tăng. Một thanh niên có thể mua sắm những thứ mà mình chỉ dùng một lần hoặc mua về rồi không bao giờ động đến. So với việc kiếm tiền thì việc tiết kiệm có lẽ đơn giản về dễ thực hiện hơn đối với hầu hết mọi người. Nếu không biết chi tiêu hợp lý, bạn sẽ không bao giờ học được cách sử dụng đồng tiền, bắt đồng tiền của mình làm việc hiệu quả, liên tục sinh sôi, nảy nở để đem lại cho bản thân, cho gia đình một cuộc sống giàu có, hạnh phúc.

Capro

14/03/2016

 

 

Sử dụng vốn khởi nghiệp như thế nào?

Tôi nhận thấy rất nhiều người khi bắt tay vào khởi nghiệp đã không hề có kế hoạch sử dụng hay phân bổ nguồn vốn mà mình có. Nếu bạn có một nguồn vốn dồi dào hoặc một nhà đầu tư với hầu bao vô đáy thì chẳng nói làm gì. Nhưng đa phần chúng ta khi bắt tay vào khởi nghiệp thường chẳng được dư giả về tài chính. Thậm chí có người phải vay mượn để khởi nghiệp. Thế nhưng, họ lại tiêu tốn quá nhiều tiền cho những chi phí chưa sinh ra lợi nhuận trước mắt. Có bạn mở một minimart, vốn đầu tư 1 tỷ đồng nhưng tiêu tốn 70% cho việc mua quầy kệ, trang trí cửa hàng, và cũng chưa thấy bạn ấy có kế hoạch dự trù tiền mặt cho những tháng đầu tiên hoạt động. Để có được khởi đầu thật vững chắc, trước tiên, bạn phải có kế hoạch đầu tư thật cụ thể.

14 dieu cua nguoi giau

Để có thể sử dụng vốn thật hiệu quả, chúng ta nên chia quá trình thực hiện dự án thành hai giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn duy trì hoạt động.

1. Giai đoạn chuẩn bị:

Ở giai đoạn này, bạn sẽ phải chi tiền cho những hạng mục sau:

  • Đầu tư cho tài sản cố định:

+ Chi phí thuê mặt bằng, tu sửa, trang trí cửa hàng, văn phòng.

+ Chi phí đầu tư cho thiết bị văn phòng, máy móc sản xuất hoặc quầy kệ …

Tất cả các chi phí này là cần thiết cho sự khởi đầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó là những chi phí không trực tiếp đem lại lợi nhuận. Mặt khác, để thu hồi vốn đã bỏ ra đầu tư, bạn cần một thời gian dài, thậm chí hàng năm trời. Nếu nắm trong tay số vốn nhỏ mà lại đầu tư vào tài sản cố định quá nhiều thì đó là hạ sách.

Để giảm thiểu những chi phí này, bạn cần khảo sát thật kỹ càng, chọn lựa địa điểm phù hợp, ký hợp đồng thuê mặt bằng với những điều khoản chặt chẽ. Tôi biết có trường hợp một bạn trẻ bỏ ra hàng trăm triệu tu sửa lại một căn nhà thành quán cà phê, thế nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì đã bị chủ nhà lấy lại mặt bằng. Do đó, để thành công, bạn cần cẩn trọng trong từng bước đi.

  • Đầu tư tạo ra sản phẩm, dịch vụ.

Theo tôi đây là phần quan trọng nhất mà bạn nên tập trung đầu tư, bởi lẽ đây chính là chi phí giúp bạn có được doanh thu vào lợi nhuận. Không có sản phẩm, dịch vụ, bạn không thể bán hàng và tạo ra thu nhập được. Những chi phí này thường là: Chi phí mua hàng; Chi phí nghiên cứu, điều tra và chế tạo sản phẩm, dịch vụ; Chi phí mua nguyên vật liệu…

  • Đầu tư vào marketing, bán hàng.

Đây là khoản quan trọng thứ hai sau chi phí tạo ra sản phẩm, dịch vụ. Nhiều người bỏ qua khâu này nên việc kinh doanh không tiến triển suốt nhiều tháng ròng, dẫn tới thua lỗ, phá sản. Những chi phí này thường bao gồm: Chi phí lập website, chi phí chạy quảng cáo, in tờ rơi, chi phí cho cộng tác viên…

Ngoài ra còn một số chi phí khác như:

+ Chi phí đăng ký thành lập doanh nghiệp.

+ Chi phí cho bản dự án khởi nghiệp (dù bạn tự viết hay mua của chúng tôi).

+ Chi phí tư vấn, hướng dẫn.

+ Chi phí đào tạo và lương cho nhân viên (nếu có) trước khi doanh nghiệp của bạn chính thức hoạt động.

Trên đây tôi chỉ nêu ra một số chi phí cơ bản nhất, trong quá trình chuẩn bị, có thể sẽ phát sinh ra nhiều chi phí hơn, do đó, bạn cần căn cơ ngay từ đầu. Giả sử bạn chỉ có một số tiền nhưng phải phân bổ vào nhiều khoản đầu tư, hãy chọn khoản đầu tư cần thiết nhất, trực tiếp mang lại lợi nhuận nhất. Những khoản chưa cần đầu tư thì đừng vội rót vốn. Những khoản nào có thể tự làm hoặc tận dụng nguồn miễn phí, ví dụ như website miễn phí, thì nên tận dụng.

2) Giai đoạn duy trì hoạt động

Ở giai đoạn này, bạn có thể chia chi phí thành 2 phần là chi phí cố định và chi phí lưu động.

– Chi phí cố định: Chi phí này thường bao gồm tiền thuê mặt bằng hàng tháng, chi phí lương nhân viên, chi phí điện, nước, thuế… Tóm lại là tất cả các khoản chi cố định mà hàng tháng bạn phải trả.

– Chi phí lưu động: Chi phí này bao gồm tiền nhập hàng hoặc mua nguyên liệu, chi phí quảng cáo, bán hàng…

Bạn nào có chuyên môn kế toán sẽ biết là để tính toán lợi nhuận còn cần chi tiết hơn nữa. Trên đây tôi chỉ nêu ra con số sơ bộ để từ đó chúng ta có thể ước chừng được số vốn duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Trên thực tế, rất hiếm có cửa hàng, doanh nghiệp nào mới đi vào hoạt động mà lại có lãi ngay. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn nên chuẩn bị số tiền để duy trì công việc kinh doanh của mình tối thiểu là 6 tháng.

Với từng đó chi phí, hẳn nhiều người sẽ nghĩ để khởi nghiệp phải cần số vốn lớn. Không phải như vậy, tôi biết có bạn đã khởi nghiệp với số vốn vẻn vẹn vài trăm ngàn đồng. Tất nhiên với số vốn nhỏ, bạn phải tiến từ từ và chưa thể trở nên giàu có nhanh chóng được. Nhưng tôi tin rằng với niềm đam mê, sự kiên trì, chính trực và nghị lực, bạn sẽ gây dựng được sự nghiệp của riêng mình.

Chúc các bạn gặt hái được nhiều thành công!

Capro

10/12/2015