Lý do không nên ôm mộng làm giàu nhờ xổ số

Đừng thấy ai đó trúng thưởng là lao vào như một con nghiện bởi có khi giàu sang chưa kịp gõ cửa, bạn đã thành kẻ khánh kiệt về vật chất và tinh thần khi không còn nghề nghiệp, lý tưởng trong cuộc sống.

Không tỷ phú nào tin có thể làm giàu nhờ xổ số

Một nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng, 21% những người tham gia khảo sát tin rằng xổ số là con đường làm giàu khả thi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này là hết sức “ngớ ngẩn”.

ly-do-khong-nen-om-mong-lam-giau-nho-xo-so

Thực tế là, hầu hết các tỷ phú trên thế giới đều không giàu lên nhờ những chiếc vé xổ số. Ngoài ra cũng không ai có ý định đầu tư tiền vào ngành nghề này để chờ ngày nếm thành quả.

Không chỉ vậy, các tỷ phú vẫn không ngừng khuyên nhủ mọi người đừng đổ nhiều tiền vào trò may rủi này. Mark Cuban, người thành tỷ phú Mỹ năm 1999 sau khi bán Broadcast.com cho Yahoo với giá 5,7 tỷ USD, hiểu rất rõ cảm giác đột nhiên thành người giàu có, cũng nghĩ vậy. Theo ông, bỏ 2 USD để giải trí thì được nhưng nếu có 10 USD, đi xem một trận bóng rổ còn ý nghĩa hơn bởi tỷ lệ trúng giải độc đắc 1,5 tỷ USD của Mỹ là một trên 292,2 triệu.

Không chỉ vậy, theo các tỷ phú thực thụ của thế giới, bạn cũng đừng mong mình sẽ giỏi quản lý tài chính hơn, giỏi đầu tư hơn sau khi trúng số độc đắc. Tất cả những người giàu nhất thế giới đều không tin vào việc làm giàu nhờ vào con đường vận may thay vì lao động này.

Nhiều người bất hạnh hơn và phá sản rất nhanh sau khi trúng số

Khi bỗng dưng có một núi tiền, rất nhiều người sẽ trở nên lúng túng không biết làm gì và những gì họ hành động sau đó phần lớn đều không sáng suốt. Tỷ phú Mark Cuban cũng từng khuyên người trúng số 1,5 tỷ USD của Mỹ rằng: “Nếu hôm qua bạn không hạnh phúc, thì mai bạn cũng chẳng hạnh phúc đâu. Nó là tiền. Không phải là hạnh phúc. Còn nếu hôm nay bạn hạnh phúc, thì mai bạn sẽ còn hạnh phúc hơn. Nó là tiền mà. Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn khi không phải lo lắng về những hóa đơn”, ông nói.

Thực tế việc trúng số có thể còn khiến bạn bất hạnh hơn. Nhiều người đã mất hết những mối quan hệ họ hàng, người thân, bạn bè sau khi trở nên giàu có. Một vài người khác trở thành đối tượng tấn công của tội phạm, những kẻ bắt cóc… Cuộc sống bị đảo lộn và có người phải bỏ nhà đi để tìm được sự yên ổn trong cuộc sống.

Nguy cơ thành con nghiện cờ bạc, khánh kiệt

Thay vì chăm chỉ làm việc ngày đêm, nhiều người lại lao vào xổ số để cầu may và ngồi chờ ngày trúng số độc đắc. Đừng quên xác suất để trúng xổ số độc đắc theo thống kê còn thấp hơn cả khả năng trở thành Tổng thống Mỹ.

Ném tiền vào xổ số thay vì làm việc bị ví như một hình thức “tự tử” về mặt tinh thần. Bạn sẽ không còn lý tưởng, hoài bão cho sự nghiệp, công việc của mình. Một khi lao vào nó bạn sẽ dễ dàng rơi vào những cái bẫy cám dỗ về tinh thần. Tương lai sự nghiệp thậm chí có thể lụn bại.

Một thống kê gần đây cho thấy, người Mỹ tiêu hơn 70 tỷ USD mỗi năm cho xổ số, nhiều hơn số tiền họ chi cho sách vở, các trò game, nghe nhạc, xem thể thao. Những chuyên gia tài chính Mỹ cũng xem thống kê này là một sự “đáng xấu hổ” cho nước Mỹ bởi họ cho rằng thay vì ném tiền vào những chiếc vé số, người Mỹ có thể giàu có hơn nhờ đầu tư.

Ngân Hà / VnExpress.net

Câu chuyện về những mẩu chì bỏ đi

Bài viết của TS. John Vũ (người Mỹ gốc Việt), nguyên là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing, hiện công tác tại trường Đại học Carnegie Mellon (Mỹ).

cau-chuyen-ve-nhung-mau-chi-bo-di

Vài năm trước khi dạy ở Ấn Độ, tôi thấy Prasad Mehta, một sinh viên năm thứ tư thường viết bằng bút chì. Ngày nay sinh viên đại học không dùng bút chì, phần lớn dùng laptop và nếu phải viết, họ dùng bút bi.

Tôi ngạc nhiên hơn khi không thể dùng được bút chì thêm nữa, anh để nó vào trong túi nhỏ nơi có nhiều bút chì, tất cả đều ngắn và dường như chúng đã được dùng rồi. Bút chì là rẻ và thường được dùng cho tới khi ngắn vài phân rồi vứt đi. Tôi tưởng Prasad là sinh viên nghèo không thể mua được bút bi nên hôm sau tôi cho anh ta một gói sáu bút bi và nói: “Em có thể dùng các bút này nên không phải dùng bút chì nữa.” Prasad cám ơn tôi về những bút bi rồi giải thích tại sao anh ta thích dùng bút chì.

Khi Prasad bắt đầu kể, tôi thấy cả lớp đều im lặng lắng nghe. Anh nói: “Em thích dùng bút chì vì nó nhắc em về một sự việc quan trọng làm thay đổi đời em.” Qua một vài chi tiết lúc đó, tôi mới biết Prasad xuất thân từ một gia đình rất giầu. Cha anh ta sở hữu công ty thương mại rất lớn và anh có mọi thứ vật chất xa hoa như máy nghe nhạc, ti vi màn hình phẳng, laptop, iPhone, iPad, xe máy, xe hơi và thường mặc những bộ quần áo thời trang rất đắt tiền của những nhà thiết kế quần áo. Anh thường đi dự tiệc tùng cuối tuần với bạn bè toàn con nhà giàu có cho tới một hôm…

Anh nói: “Bà ấy là người quét rác trong trường tiểu học. Hai vợ chồng bỏ quê lên tỉnh kiếm ăn nhưng người chồng chết sớm. Bà ấy không có họ hàng thân thích để nương tựa trong thành phố lớn như Mumbai nên gặp rất nhiều khó khăn với đời sống nơi đây. Trong 40 năm qua, bà ấy đã quét lớp học tại trường tiểu học, lương đạm bạc của bà ấy chỉ đủ cho bà ấy ăn ngày hai bữa mà thôi. Bà ấy được phép sống trong một chiếc lều nhỏ đằng sau trường. Tuy bà cũng muốn giúp đỡ người khác nhưng như một người rất nghèo, bà ấy chẳng có gì để cho.”

Prasad tiếp tục: “Là sinh viên, chúng em thường tình nguyện làm công tác xã hội. Vài năm trước, chúng em được phái tới trường tiểu học để hướng dẫn học sinh giúp cho trường. Em được phân công đọc chuyện cho trẻ con. Em lấy một cuốn sách từ thư viện, câu chuyện là về Gandhi.

Khi trẻ em tụ tập quanh em ở thính phòng của trường, em bắt đầu đọc: “Gandhi thường viết nhiều thư. Một hôm, Kalelkar, một tác giả Ấn Độ nổi tiếng, thấy ông đang viết bằng chiếc bút chì ngắn và lập tức tặng đưa cho Gandhi chiếc bút chì dài hơn từ túi ông ta. Gandhi lễ phép nói rằng ông ấy không cần nó. Ngày hôm sau, Kalelkar thấy Gandhi lục túi tìm bút chì cũ nên ông ta lại đưa ra chiếc bút chì dài hơn: ‘Dẫu sao bút chì của ông ngắn quá rồi, viết rất khó khăn’ Gandhi dịu dàng đáp, ‘Nhưng một đứa trẻ đã cho tôi bút chì đó.’ Và ông ấy cứ tìm chiếc bút chì đó. Điều Gandhi dạy là ở một nước nghèo, người ta phải tằn tiện, không nên phí phạm bất cứ gì và không nên cư xử như các nước giầu khác…”

Prasad mỉm cười: “Câu chuyện này được viết ra cho học sinh tiểu học. Nó không quan trọng với em vào lúc đó nhưng điều em không chú ý là người đàn bà quét rác cũng nghe em đọc. Câu chuyện mà em đọc có tác động lên bà ấy.

Bà ấy nghĩ “Mình quét trường mọi ngày và thấy trẻ con vứt đi nhiều cây bút chì ngắn. Sao mình không thu nhặt các bút chì đó và đem cho trẻ con nghèo, những đứa không có được bút chì để chúng có thể học viết hay vẽ.”

Thầy cần biết rằng ngay cả ngày nay, vẫn có rất nhiều người nghèo khổ sống chui rúc trong những đống rác, trong những khu nhà ổ chuột, và con cái của những người đó không được đi học, chúng phải giúp cha mẹ kiếm sống bằng cách lượm lặt các phế thải có thể bán được trong các đống rác. Người đàn bà quét rác bắt đầu thu thập bút chì, tẩy, cái gọt bút chì và bất kì cái gì học sinh vứt đi trong lớp. Khi đầy túi, bà ấy đem tới các khu nhà ổ chuột cho trẻ em nghèo nơi đây. Đó là việc làm hàng tuần của bà ấy và bà ấy vẫn tiếp tục làm cho đến nay.”

“Đầu năm nay, chúng em quay lại trường tiểu học đó. Khi thấy em, bà ấy cám ơn em vì đã giúp cho bà ấy một ý tưởng mà trong nhiều năm bà vẫn có ý định giúp gười khác nhưng không có phương tiện. Em ngạc nhiên khi nghe câu chuyện đó và để cảm ơn, bà ấy khẩn khoản mời em tới nhà ăn cơm. Em không thể đến vào hôm đó nhưng hứa tới hôm sau chỉ để làm hài lòng bà già. Bà ấy nấu cho em một bữa ăn thanh đạm đơn giản nhưng ngon tuyệt.”

Prasad tiếp tục: Em là một một sinh viên đại học con nhà giầu thường tiêu hàng trăm đô la chỉ cho một bữa tiệc cuối tuần. Nhưng ngồi trong chiếc lều rách tả tơi cùng một bà già quét trường với số lượng chưa đến trăm đô la một năm. Em lắng nghe câu chuyện của bà ấy với nước mắt lưng tròng. Bây giờ em mới nhận minh triết của câu chuyện Gandhi trong sách giáo khoa tiểu học. Em nhận ra lòng từ bi với người khác của người quét trường nghèo khổ này.

Khi em ra về, bà ấy đưa cho em một túi nhựa nhỏ gần rách. Em mở ra và thấy toàn những bút chì ngắn với những cái tẩy đã mòn và cái gọt bút chì. Bà ấy nói: “Tôi muốn đi tới khu nhà ổ chuột ở cuối thành phố và trao cho trẻ con nghèo. Gần đây, tôi bị viêm khớp nên không thể đi bộ tới miền tây nam thành phố (nơi có khu nhà ổ chuột) nên phiền anh giúp tôi làm điều đó vì anh có xe máy.”

Prasad kết luận: “Khó mà kìm được cơn xúc động của em trong sự hiện diện của cái gì đó hào phóng vô giá như thế. Nếu thầy có thể biết rằng là con nhà giàu, từ nhỏ đến lớn, em có đủ mọi thứ em muốn. Em chưa bao giờ biết đến việc đói nghèo. Ngay như hiện nay, ở Ấn Độ có hai thế giới rất rõ rệt dựa trên sự phân chia giai cấp của người giầu và người nghèo. Em may mắn sinh ra trong giai cấp quyền quý giàu sang nhưng kinh nghiệm này đã dạy cho em bài học giá trị về cuộc sống.

Không thành vấn đề giầu hay nghèo, lòng cảm thông và từ bi với người khác là quan trọng. Không phải cứ giầu mới cho được người khác. Chừng nào còn biết quan tâm tới người khác, chừng nào trái tim còn biết rung cảm với sự khổ đau của người khác nó là trái tim thuần khiết. Tất nhiên, em hoàn thành lời hứa với bà ấy bằng việc phân phối món quà của bà cho trẻ em nghèo ở khu nhà ổ chuột.

Từ đó, em không bao giờ vứt đi bất kì gì, kể cả những chiếc bút chì đã dùng rồi. Em giữ chúng trong túi để cho em cũng có thể đem chúng cho trẻ em nghèo nữa. Hành động khiêm tốn đầy vị tha của bà ấy đã làm thay đổi cuộc đời em. Bà ấy đã làm thay đổi cách suy nghĩ của em về cuộc sống và hành vi của em cũng thay đổi hoàn toàn. Cha mẹ em đã vui mừng khi thấy em chăm chỉ học hơn trong trường và đã thôi đi dự tiệc tùng ăn nhậu cuối tuần.”

Việc bố thí khiêm tốn của bà lão quét trường nghèo tả tơi có sức mạnh nào đó không thể mô tả được. Tôi cảm thấy có một bầu không khí lạ lùng nào đó trong lớp học và mọi người trong lớp có lẽ cũng cảm thấy như vậy.

Tôi để ý rằng sau câu chuyện của Prasad, nhiều sinh viên dường như cẩn thận hơn về thói quen của họ trong lớp. Trong suốt hai tuần dạy học học tại đây, tôi không thấy các sinh viên vứt rác, quẳng đồ bừa bãi hay hút thuốc trong hàng hiên trường.

Tôi mong những sinh viên cũng học được bài học quý giá này và sẽ đóng góp nhiều cho đất nước của họ để xoá đói, giảm nghèo.

John Vũ

Nguồn: Cafebiz.vn

Biết chấp nhận thất bại

Kiên trì và dám nghĩ, dám làm là phẩm chất dường như mọi doanh nhân đều phải có. Tuy nhiên, khi mọi việc không suôn sẻ, thuận lợi, thậm chí là thất bại thì ít người can đảm thừa nhận sai lầm để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Nhiều người đầu tư vào một dự án không có khả năng sinh lời hoặc không thuận lợi, nhưng giống như một con bạc khát nước, càng thua càng muốn gỡ, họ tiếp tục vay mượn rót thêm vốn để cuối cùng chịu thiệt hại nặng nề.

biet-chap-nhan-that-bai

Cách đây không lâu, tôi có đọc được bài viết của một doanh nhân về chi phí chìm (sunk cost) và nhận thấy rằng không chỉ những người mới bước vào kinh doanh mà ngay cả những doanh nhân kỳ cựu đôi khi cũng mắc phải sai lầm này. Chi phí chìm là chi phí đã xảy ra và không thể thay đổi được bởi bất kỳ quyết định nào trong hiện tại và tương lai. Những người có quyền ra quyết định thường sai lầm ở chỗ không nhận ra được rằng chi phí chìm không thể bù đắp được. Xuất phát từ việc họ không muốn phải gánh chịu những rắc rối khi xúc tiến phương án thay thế. Đơn giản là vì việc xúc tiến phương án thay thế sẽ làm ảnh hưởng đến quyết định ban đầu của chính họ hay cấp trên; dẫn đến sợ mất mặt. Tuy nhiên, các nhân tố vô hình này của họ sẽ dẫn đến các thiệt hại hữu hình, nhất là về tài chính và cơ hội. (Nguồn: Wikipedia.org). Cách đây ít lâu, tôi có khởi động một dự án kinh doanh nhưng kết quả không được như mong muốn. Đáng lẽ phải thấy trước được thất bại của mình và dừng lại để hạn chế tổn thất thì tôi lại tiếc thời gian, công sức và tiền bạc đã đổ ra để xây dựng dự án ấy. Một phần nữa cũng vì tôi quá tin tưởng cộng sự của mình, người mà sau này tôi mới nhận ra rằng anh ta không hề có ý định hợp tác lâu dài mà chỉ muốn lợi dụng người khác để đạt được mục đích của mình mà thôi. Cuối cùng, tôi cũng dừng dự án đó lại, nhưng những tổn thất đáng ra có thể hạn chế, đã được tôi nhân lên gấp đôi chỉ vì không nhận ra “chi phí chìm”. Một ví dụ khác, khi bạn đầu tư vào cổ phiếu của một công ty X. Đột nhiên công ty X, sau khi thanh tra tài chính, mọi người phát hiện ra họ nợ nần chồng chất, sắp thua lỗ, phá sản. Dự kiến cổ phiếu khó có thể tăng giá được trong một thời gian dài. Một nhà đầu tư nhạy bén sẽ tranh thủ cắt lỗ, bán ra số cổ phiếu ấy trước khi giá sụt giảm mạnh hơn nữa chứ không chờ cổ phiếu đó tăng giá trở lại vì khả năng đó là rất ít… Chấp nhận thất bại để hạn chế tổn thất, đó mới là việc làm của người khôn ngoan.

Trong cuộc sống tình cảm cũng vậy, tôi thấy rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, mặc dù không hạnh phúc với cuộc sống gia đình do người chồng vũ phu, bội bạc… nhưng họ không dám chấp nhận thất bại trong hôn nhân, chấm dứt sai lầm để bắt đầu một cuộc sống mới. Một phần họ lo ngại định kiến xã hội, một phần sợ mất thể diện, một phần lo cho con cái không có một gia đình hoàn thiện, một phần vì tiếc quãng thời gian, công sức đã bỏ ra để xây dựng gia đình… Tất cả những lý do đó khiến họ đắm chìm trong cuộc hôn nhân tuyệt vọng. Thậm chí, cá biệt có trường hợp một cô giáo vì không muốn mang tiếng bỏ chồng nên đã mất mạng dưới tay người bạn đời vũ phu. Tình yêu, hôn nhân cũng giống như bạn đầu tư tình cảm. Một khi bạn đầu tư sai hướng, chọn sai người thì việc đầu tư ấy không mang lại cho bạn hạnh phúc, niềm vui mà chỉ là đau khổ. Những gì mà bạn đầu tư sẽ trở thành “chi phí chìm”, không thể vãn hồi được nữa mà chỉ còn cách hạn chế mà thôi.

Không một nhà kinh doanh nào, dù tài giỏi tới đâu có thể dám chắc 100% thắng lợi cho tất cả các khoản mục đầu tư của mình. Do đó, để phát triển ổn định, để cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn cần biết chấp nhận thất bại. Hãy mạnh dạn xóa bỏ những gì đang là gánh nặng, không mang lại cho bạn lợi nhuận, tập trung sức lực vào hạng mục đầu tư mà bạn tin rằng mình sẽ có lợi thế và dành chiến thắng. Người không tốt thì không nên tiếc, “chi phí” đã “chìm” thì không cách gì lấy lại được. Biết khi nào nên lùi, khi nào nên tiến, đó là phẩm chất không thể thiếu của người thành công.

Capro

03/07/2016