Tag Archive | thành công

Thành công có đến từ sự dũng cảm và liều lĩnh?

“Tôi chỉ dũng cảm và làm liều thôi”. Thông thường bạn sẽ được nghe phát ngôn này từ những doanh nhân giàu có, ngôi sao hàng đầu hay những nghệ sĩ thành công. Nhưng thực tế, đây chỉ là lời nói dối!

Bỏ việc để theo đuổi ước mơ đa phần là ý tưởng cực kỳ ngu xuẩn!

Không lâu trước đây, bạn của tôi là Bryan đã quyết định từ bỏ công việc technical writer (công việc liên quan tới viết lách như: Viết tài liệu nội bộ, tạo ra các tài liệu hỗ trợ khách hàng hoặc chịu trách nhiệm phát triển nội dung blog) tại một tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500 với mong muốn làm một điều gì đó mới mẻ.

Trong ngày làm việc cuối cùng, các đồng nghiệp của Bryan có suy nghĩ lẫn lộn, người thì tỏ ra ghen tị, một số khác lại bày tỏ sự ngạc nhiên. Họ không thể tin nổi Bryan lại nghỉ việc – một quyết định thực lớn lao và quan trọng trong sự nghiệp của anh ấy. Tuy nhiên sự thật là Bryan đã lên kế hoạch cho khoảnh khắc này từ… 10 năm trước.

Với bất kỳ ai, nếu từng đọc qua một vài cuốn sách kinh doanh, lắng nghe được câu chuyện tự thân lập nghiệp của những những bậc thầy trên thương trường hay gặp lại một người bạn cũ thành đạt, rất có thể bạn sẽ được nghe cùng một cụm từ đó là: “Tôi chỉ dũng cảm và làm liều thôi”.

Cụm từ này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi nói về những câu chuyện thành công điển hình. Đây là vấn đề liên quan tới việc dám chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và nhận lại thành quả.

Thông thường bạn sẽ được nghe phát ngôn này từ những doanh nhân giàu có, ngôi sao hàng đầu hay những nghệ sĩ thành công. Nhưng thực tế, đây chỉ là lời nói dối!

Thành công thường đến rất muộn

Trong một buổi phỏng vấn mới đây, tôi đã được hỏi rằng anh đã trở thành một cây viết toàn thời gian như thế nào? Người phóng viên muốn biết lý do lớn nhất để tôi theo đuổi đam mê của mình là gì?

Ngay lập tức tôi trả lời: “Không có. Không có điều gì quá to lớn cả. Chỉ đơn giản là sự cộng hưởng của hàng loạt những thứ nhỏ bé qua thời gian”.

Tôi không có khoảnh khắc giống như Jerry Maguire (Một nhân vật trong bộ phim điện ảnh cùng tên khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Jerry Maguire quyết định từ bỏ mọi thứ để có thể sống và hành động theo đúng với cảm nhận của mình), cũng không có những tuyên bố hùng hồn với cả thế giới rằng mình đã thay đổi mọi thứ.

Tuy nhiên khi bắt đầu nhìn nhận một cách chân thực về thành công, tôi nhận ra rằng để đạt được một điều gì đó, luôn cần đến những chiến lược chậm và chắc.

Trước khi bỏ việc hay tạo ra một bước thay đổi mới trong sự nghiệp của mình, hãy dành một khoảng thời gian để xây dựng và rèn luyện tất cả những kỹ năng cần thiết để làm tốt công việc đó.

Vào năm 1975, Bill Gates thành lập nên Microsoft. Tuy nhiên phải tới 6 năm sau đó, ông mới ký được hợp đồng với IBM.

Tiếp theo phải mất 5 năm nữa công ty mới IPO và giúp Bill Gates trở thành triệu phú, kết quả ông được cả thế giới tung hô là vĩ nhân đạt được “thành công chỉ qua một đêm”.

Với Steve Jobs, thành công thậm chí đến với ông muộn hơn rất nhiều. Khởi nghiệp cùng Steve Wozniak và thành lập nên Apple Computer vào năm 1976 nhưng không có gì nổi bật cho tới năm 1984 với sự ra đời của Macintosh. Sau đó, Steve Jobs thậm chí đã bị đuổi khỏi Apple và khi quay trở lại ông mới tìm được thành công cho mình.

Một câu chuyện khác trong giới công nghệ là về 2 nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin. Họ khởi nghiệp công ty vào năm 1996 và phải 8 năm sau đó công cụ tìm kiếm Google mới đánh bại tất cả đối thủ cạnh tranh và hoàn thành thương vụ IPO với vốn hoá thị trường lên tới 23 tỉ USD.

Cả 3 câu chuyện kể trên đều phù hợp với những gì nhà nghiên cứu K. Anders Ericsson gọi là học thuyết “luyện tập thận trọng” và “quy luật 10.000 giờ”.

Trong nghiên cứu của mình, Ericsson đã tranh luận rằng với những ai muốn trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, họ cần ít nhất 10.000 giờ luyện tập và thực hành.

Nói cách khác, trước khi bỏ việc hay tạo ra một bước thay đổi mới trong sự nghiệp của mình, hãy dành một khoảng thời gian để xây dựng và rèn luyện tất cả những kỹ năng cần thiết để làm tốt công việc đó.

Tuy nhiên hiện nay, với sự gia tăng không ngừng của những công ty khởi nghiệp công nghệ cùng việc dễ dàng khởi đầu một doanh nghiệp trực tuyến – chúng ta vẫn bị ám ảnh bởi suy nghĩ dám liều lĩnh, dũng cảm là có thể thành công.

Tại sao ư? Bởi tất cả mọi người xung quanh chúng ta đều có cùng suy nghĩ cho rằng để có được một sự nghiệp thành công rực rỡ, chắc chắn người đó đã dám “đánh cược” với cuộc đời mình và sau đó nhận lại thành quả to lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy!

Tiến sỹ Robert Maurer – tác giả cuốn “One Small Step Can Change Your Life” đã tranh luận rằng chúng ta luôn yêu thích ý tưởng về những thay đổi lớn, thậm chí ngay cả khi nó có thể gây ra tổn hại cho bản thân. Tuy nhiên đây không hẳn là cách những thay đổi to lớn nhất xảy ra.

Tiến sỹ Maurer thậm chí còn đưa thêm dẫn chứng về “kaizen” – một thuật ngữ kinh tế của người Nhật, được ghép bởi từ “kai” có nghĩa là thay đổi và từ “zen” có nghĩa là tốt hơn, tức là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục”.

Thay vì cố gắng giảm cân nhanh chóng, hãy kiên trì luyện tập mỗi ngày 1 phút, 2 rồi 3 phút… Qua thời gian, một chuỗi những thay đổi nhỏ sẽ tập hợp thành một điều lớn lao và bền vững.

Nhà triết học Aristotle cũng từng nói rằng: “Chúng ta là những gì mà chúng ta thường xuyên làm. Vì vậy sự hoàn hảo là thói quen chứ không phải hành động. Nếu làm một điều gì đó đủ lâu – bất kể điều gì, dần dần nó sẽ trở thành thói quen”.

Nếu không nên liều lĩnh chấp nhận rủi ro, vậy bạn nên làm gì?

Đầu tiên, hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ – thật nhỏ. Hầu hết mọi người nghĩa rằng muốn có một điều gì đó tuyệt vời, chúng ta phải làm những điều lớn lao. Tuy nhiên, điều này không đúng.

Mỗi ngày, rất nhiều người liều lĩnh theo đuổi những ước mơ của họ và đều mắc phải sai lầm này. Do đặt ra những mục tiêu “trên trời” mà không tiến hành những bước ban đầu cơ bản nhất. Và kết quả họ gặp thất bại.

Thứ hai, hãy tạo lập cho mình một thói quen. Mọi thứ đều phải trả qua thực hành. Và càng làm nhiều, mọi việc sẽ càng trở nên dễ dàng hơn. Các thói quen luôn khiến mọi thứ trở nên dễ dàng và khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.

Cuối cùng, hãy ghi nhớ rằng khi nỗ lực trau dồi kỹ năng những gì bạn nhận lại được không phải là bước nhảy vọt bấp bênh mà là một cây cầu vững chắc được xây dựng hết sức thận trọng qua thời gian.

Dĩ nhiên điều này không thể khiến bạn trở thành hình mẫu cho một câu chuyện thành công tuyệt vời nhưng nó là cách tốt nhất để có thể tồn tại lâu dài!

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Jeff Goins – một doanh nhân, tác giả cuốn sách nổi tiếng The Art of Work.

Vân Đàm

Theo Trí Thức Trẻ

Tài năng có giúp bạn thành công và hạnh phúc?

Trên thế giới có rất nhiều người tài năng, nhưng không phải tất cả đều thành công. Có người thậm chí đã thất bại rất nhiều lần. Có người đã bước lên đỉnh vinh quang nhưng với họ cũng là đỉnh cô độc bởi bạn bè, người thân xa lánh… Tóm lại, tài năng không phải là yếu tố quyết định thành công và hạnh phúc. Để thành công, chỉ có tài năng không thôi chưa đủ mà còn cần một số phẩm chất khác. Những điều ấy mặc dù là rất giản dị, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu và thực hiện được.

Thứ nhất, bạn phải là người có lòng vị tha. Vị tha ở đây không chỉ là tha thứ mà là biết sống vì người khác. Nếu bạn kinh doanh chỉ vì mục đích lợi nhuận thì sự nghiệp của bạn sẽ không có ý nghĩa. Tất nhiên, nếu không tạo ra lợi nhuận thì tổ chức cũng không thể tồn tại được, nhưng nếu chỉ vì tiền, một ngày nào đó bạn sẽ thấy không còn động lực để phấn đấu. Cách đây ít lâu, tôi có đọc được một bài báo nói về Markus Persson. Anh ta là một lập trình viên, sau đó đã trở thành tỷ phú nhờ bán công ty của mình cho Microsoft với mức giá 2,5 tỷ USD. Những tưởng tiền sẽ làm anh ta hạnh phúc, nhưng không,  anh ta không những không hạnh phúc với số tiền khổng lồ, những bữa tiệc thâu đêm mà còn tỏ ra chán đời nữa. Anh ta dường như tuyệt vọng với cuộc đời, tuyệt vọng để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Cho nên, có người đã nói rằng sống vì người khác mới là cuộc đời đáng sống…

Bạn đã bao giờ vì thực hiện lời hứa với khách hàng mà hi sinh lợi nhuận của mình chưa? Bạn có bao giờ vì trả lương cho nhân viên để họ có một cái Tết đầy đủ mà chấp nhận không còn một xu trong túi? Bạn muốn cộng sự, nhân viên, khách hàng của mình nghĩ đến bạn và đồng hành cùng bạn trong suốt quãng đường dài, trước hết bạn phải nghĩ đến họ. Vị tha là một đức tính không thể thiếu nếu bạn muốn bước lên đỉnh vinh quang mà không cô độc, nếu bạn muốn mọi người vì bạn mà cố gắng hết sức mình. Vị tha là chất keo gắn kết giữa người với người. Lợi ích của bạn ngay từ đầu đã gắn liền với lợi ích của người khác. Tôi biết một người rất tài năng, nhưng anh ta luôn coi mình là quan trọng nhất, là trung tâm của vũ trụ. Ngoài lợi ích của bản thân, anh ta không bận tâm tới ai khác. Cuối cùng, mặc dù đạt được một vài thành công nhất định, nhưng bên anh ta không có lấy một người bạn thực sự.

Thứ hai, bạn phải kiên trì nỗ lực. Thomas Edison từng nói: “Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% mồ hôi”, và thực tế đã chứng minh điều đó là đúng. Mặc dù rất có tài, song phải tới thí nghiệm thứ 10.000, ông mới có thể phát minh ra bóng đèn điện. Malcolm Gladwell – tác giả cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” – đã chia sẻ rằng bất kỳ một ai đã trở thành vĩ nhân đều đầu tư phần lớn thời gian trong cuộc đời của mình để tập trung rèn luyện chuyên sâu về phương diện mà sau này họ sẽ được đánh giá là một chuyên gia ở đẳng cấp thế giới. Điều đó đúng với cả Bill Gates, những nhà sáng lập Google, cho đến The Beatles, Beethoven, hay Mozart…

Tuy nhiên, đối với những người khởi nghiệp, để có kết quả tốt thì kiên trì nỗ lực phải đi đôi với việc chọn đúng hướng đi. Hãy làm những gì mà bạn hiểu rõ, gần gũi nhất. Một khi đã chọn đúng hướng đi, tận dụng được sở trường và thế mạnh của mình thì cần kiên trì để đạt được ước mơ.

Thứ ba, bạn phải là người chính trực, ngay thẳng. Một người như vậy sẽ khiến người khác an tâm và tin tưởng. Khách hàng, đối tác có tin tưởng bạn thì họ mới quyết định giao dịch với bạn. Một khi không tạo dựng, duy trì được niềm tin nơi người khác, sự nghiệp của bạn khó lòng có thể tiến xa. Tương tự như những người tiền sử thời xa xưa, khi chọn một người bạn đồng hành, người ta không dựa trên tiêu chí về sự hiểu biết hay khả năng săn mồi mà điều kiện tiên quyết là người đó có đáng tin hay không. Một người không chính trực đối với họ rất có khả năng sẽ làm hại bạn mình và lấy đi toàn bộ tài sản.

Nếu không thể khiến mọi người chung tay giúp sức, bạn sẽ không thể thành công cho dù có tài năng đến mấy. Do vậy, để chiến thắng nghịch cảnh và giành được lợi thế trong môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt, hãy nhớ rằng chỉ có tài năng thôi là chưa đủ. Tôi luôn cho rằng phẩm chất của một người mới là điều đóng vai trò quyết định đối với thành công.

Capro

16/02/2016

Trở thành doanh nhân – bẩm sinh hay rèn luyện?

Cách đây không lâu, trên một diễn đàn lớn có chủ đề về bài trắc nghiệm với tựa là “Bạn có phải là một doanh nhân thành công hay không?”. Bài trắc nghiệm thực ra không khó, tuy nhiên tôi thấy có ít người có kết quả tốt mặc dù trong số họ khá nhiều người là doanh nhân. Phải chăng để trở thành doanh nhân cần có tố chất bẩm sinh hay do rèn luyện mà thành?

Tôi đã tìm hiểu rất nhiều website, diễn đàn về chủ đề này, tuy vậy, không một bài viết nào đưa ra câu trả lời có hay không, hoặc chỉ đưa ra câu trả lời rất chung chung vừa có vừa không. Vậy đâu là những phẩm chất mà một doanh nhân cần có? Theo tôi, những người thành công thường có chung những phẩm chất sau:

Có động lực đúng

Nhiều người mong muốn trở thành doanh nhân để có một cuộc sống giàu có, nghỉ ngơi nhàn hạ. Thực tế, những doanh nhân mà tôi biết có ngày thậm chí không có lấy một phút thư giãn, nghỉ ngơi, họ phải làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ và có thể phải bỏ lỡ thời gian sum họp bên gia đình. Để có thể duy trì được công việc như vậy, bạn phải có động lực làm việc. Động lực đó là gì? Nếu chỉ để kiếm tiền thì hà tất bạn phải lao tâm khổ tứ như vậy. Bởi không một ai khi chết đi có thể đem theo tiền xuống mồ cả. Những người có chí lớn thường tự hào về những giá trị, di sản mà họ để lại cho đời sau, thậm chí có người suốt đời cống hiến chỉ với mục tiêu làm thay đổi xã hội loài người theo hướng tốt đẹp hơn. Đối với một số người, động lực lớn nhất của họ là tình yêu gia đình, yêu con người. Còn một số người khác thì đó là sự căm thù nghèo đói, tủi nhục…

Cho dù động lực của bạn là gì, bạn cũng cần phải có một ý chí, khát khao đủ lớn để có thể theo đuổi con đường đầy chông gai này. Loài chim sống trong lồng thường không phải trải qua phong ba, bão táp, lúc nào cũng đầy đủ thức ăn, nước uống nhưng đổi lại, chúng không có tự do. Ngược lại, đã quyết tâm theo đuổi tự do và khát vọng của mình, bạn cần có lòng can đảm và một động lực đúng để vượt qua khó khăn, thử thách.

Một doanh nhân thành công không kinh doanh chỉ vì đồng tiền. Đối với anh ta sự nghiệp kinh doanh là lẽ sống của đời mình. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể sống, làm việc hết mình và không bao giờ bỏ cuộc.

Luôn tự tin vào bản thân

Những người thành công luôn tự tin vào bản thân mình. Sự tự tin này có được do họ hiểu rõ khả năng, sở trường của bản thân. Đứng trước một dự án, họ sẽ dự đoán được bao nhiêu phần trăm thành công hay thất bại. Nếu bạn không tin tưởng rằng bạn là một trong số những người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, thì những người khác cũng sẽ nghĩ như vậy. Điều này khiến cho việc kinh doanh của bạn không thuận lợi như mong muốn. Thế nên, bạn cần phải sẵn sàng để “quảng bá” bản thân mình và sẵn sàng làm việc bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào có thể.

thuong-hieu-doanh-nghiep

Tiết kiệm và giản dị

Những người giàu nhất thế giới thường không bao giờ tiêu xài tiền một cách hoang phí. Đối với họ, một đồng không chỉ là một đồng mà là hàng ngàn đồng trong tương lai. Mỗi quyết định chi tiêu đều được tính toán tỉ mỉ, cẩn thận sao cho chúng mang lại hiệu quả cao nhất. Để tránh khỏi phá sản, ngay từ khi bắt tay vào khởi nghiệp, bạn cần sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, chỉ tiêu tiền vào những công việc trực tiếp sinh ra lợi nhuận. Khả năng tự chủ về tài chính cần là ưu tiên hàng đầu, quan trọng hơn rất nhiều so với việc trang bị cho những thứ hào nhoáng bên ngoài. Hơn nữa, việc tiết kiệm là một  cách hữu ích không chỉ trong những tháng kinh doanh chậm mà còn trong những tháng phát đạt bởi nó đem lại cho cá nhân bạn một khoản tiết kiệm dự phòng cho trường hợp doanh nghiệp của bạn không tạo ra thu nhập.

Tuy vậy, bạn đừng đánh đồng tiết kiệm với keo kiệt. Tiết kiệm là vẫn chi tiêu những thứ đáng phải chi nhưng ở mức hiệu quả nhất. Để làm được điều này, bạn phải vận dụng khả năng suy nghĩ và sáng tạo của mình rất nhiều.

Những doanh nhân thành công nhất thế giới như Warren Buffett hay Sam Walton đều là những người giản dị nổi tiếng. Họ kiên quyết tránh xa những món đồ xa xỉ vì theo họ đó là những khoản đầu tư tồi, không hiệu quả. Họ hiểu rất rõ rằng giá trị của một con người không nằm ở những thứ hào nhoáng bề ngoài.

Trung thực và chính trực

Để sự nghiệp của mình trường tồn, bạn phải chú ý xây dựng chữ tín ngay từ đầu. Nếu không phải là người biết giữ chữ tín, bạn khó có thể theo đuổi nghiệp kinh doanh. Chữ tín giúp bạn có được khách hàng, có được nguồn vốn và duy trì được doanh nghiệp của mình.

Tất cả những điều mà tôi vừa nêu ra ở trên được đúc rút từ thực tế và cả trong sách vở. Tôi cho rằng trên thực tế rất ít người sinh ra với đầy đủ các phẩm chất nêu trên.  Những người thông minh, nhanh nhẹn từ nhỏ nhưng không chịu học tập, trui rèn thường xuyên thì sẽ không có đủ ý chí để vượt qua nghịch cảnh. Ngược lại, một người dù ngu dốt đến mấy nhưng nếu không ngừng phấn đấu vươn lên, không bỏ phí một giây để làm việc, học hỏi, đầu tư vào chính bản thân mình, tôi tin rằng người đó sớm muộn gì cũng sẽ thành công.

Cho dù bạn là ai, sinh ra trong hoàn cảnh nào, nếu không ngừng rèn luyện, trau dồi tri thức, bạn có thể trở thành một doanh nhân, một người thành công đích thực. Hôm nay cũng là ngày doanh nhân Việt Nam, để thay cho lời kết, tôi muốn gửi lời chúc tới tất cả những ai đã, đang và sẽ theo đuổi nghiệp kinh doanh lời chúc thành công và tinh thần quyết thắng!

Capro

13/10/2015