Tag Archive | đạo đức

Nghèo do nhận thức thấp

Tôi có một đứa em họ xa. Nhà nó ở quê rất nghèo nên bố mẹ cố gắng gom góp tiền cho đi học đại học trên Hà Nội. Học xong, ra trường được 4 năm, không biết làm việc gì nhưng bố mẹ nó kể rằng mỗi tháng, thu nhập của nó mỗi tháng vào tầm 200 triệu đồng. Từ ngày đi làm, nó mua sắm cho gia đình không biết bao nhiêu là vật dụng đắt tiền. Mỗi tháng lại cho bố mẹ vài chục triệu đồng để tiêu vặt. Nói chung, bố mẹ  nó rất tự hào và đi đâu cũng khoe với họ hàng về đứa con tài giỏi của mình. Sau đó, ngầm so sánh với những người anh, chị như chúng tôi và còn nói rằng chúng tôi nhiều tuổi hơn mà không tài như nó.

6 thoi quen_du an khoi nghiep

Tôi cũng chẳng để bụng gì câu nói ấy mà ngược lại thấy lo lắng cho gia đình họ. Thường thì số tiền bạn kiếm được hàng tháng phải tương xứng với năng lực, công sức của bạn bỏ ra. Bạn có công nhận điều đó là đúng không? Nếu bạn được tuyển dụng vào một công ty với mức lương thật cao mà công việc nhàn hạ, không đòi hỏi kỹ năng gì thì tôi khuyên bạn nên lo lắng mới phải. Bởi ông chủ nào cũng biết bóc lột nhân viên của mình. Thấy đồng tiền của mình bỏ ra một cách không tương xứng, lẽ nào họ lại khoanh tay đứng nhìn? Không biết em họ tôi làm nghề gì, nhưng tôi cho rằng khó có thể là một công việc chân chính. Mà kết cục của những công việc đó thế nào, chắc các bạn cũng hình dung ra được. Ấy vậy mà, gia đình đó lại không nhận thức ra sự hiểm nguy, ngược lại còn tự hào, khoe khoang vì mối lợi trước mắt.

Bấy lâu nay cứ thấy báo chí đưa tin về nỗi khổ của người nông dân. Nào là công ty sữa không thu mua sữa, phải đổ sữa ra đường. Nào là dưa hấu trồng, không ai mua, phải nhờ vào nghĩa tình của Bộ Công thương… Nói chung, người nông dân bao giờ cũng chịu nhiều nỗi khổ. Khổ vì lo mất mùa, thời tiết không thuận hòa. Đến khi được mua, lại khổ vì chẳng ai mua, thương lái ép giá. Thế nhưng, mặt trái của vấn đề là gì? Hôm trước, tôi thấy một anh bạn viết vài nhận xét trên Facebook rằng nông dân khi thương lái đến mua dưa hấu thì ngâm nước cho dưa nặng, dưa không đạt tiêu chuẩn nên thương lái từ chối. Còn các công ty sữa cũng trần tình rằng họ tài trợ thức ăn, phương thức chăn nuôi bò sữa cho người nông dân. Thế nhưng, khi bán sữa, người nông dân ưu tiên bán sữa cho các công ty mua ngoài với mức giá cao hơn, không giữ đúng cam kết với công ty đã tài trợ cho mình. Tôi không rõ điều này đúng hay sai, nhưng nếu điều đó là đúng tôi nghĩ rằng người nông dân đáng thương hơn là đáng giận. Họ không nhận thức được tầm quan trọng của chữ tín trong kinh doanh. Họ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt. Làm sao để mình có lợi nhất, bất chấp thỏa thuận, cam kết, lợi ích của đối tác. Làm như vậy vô hình chung họ đã tự đẩy mình vào ngõ cụt. May ra được vài lần những lần sau ai còn dám làm ăn với họ nữa. Nghèo nên thiếu giáo dục, nhận thức thấp. Nhận thức thấp nên lại càng nghèo. Cái vòng luẩn quẩn ấy không biết bao giờ họ mới thoát ra được. Có người trách rằng tại sao không định hướng cho người nông dân? Không công nghiệp hóa nông nghiệp? Không có quy trình từ đầu vào cho tới đầu ra? Thế nhưng tôi cho rằng, nâng cao nhận thức của người nông dân cũng là một vấn đề quan trọng không kém.

Chẳng phải cứ là người nông dân mới nhận thức thấp. Gần đây, tôi thấy rất nhiều người bán hàng trên Facebook. Cách kinh doanh này chi phí thấp nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro do có thể bị giật khách bất cứ lúc nào. Những người giả danh người bán để lừa người mua, không có đạo đức kinh doanh đã đành. Nhận thức của họ về làm giàu cũng thật thấp. Làm ăn bằng con đường lừa đảo, chộp giật, không bao giờ là con đường bền vững và lâu dài được.

Những người nhận thức thấp khó có thể làm giàu được. Về khía cạnh ngược lại, họ là đối tượng dễ bị lợi dụng do chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt. Họ thường bị đồng tiền làm cho lóa mắt. Họ tưởng rằng kiếm tiền, làm giàu thật dễ dàng và nhanh chóng. Chính vì lẽ đó mà hàng loạt đường dây bán hàng đa cấp lừa đảo ra đời, người đi trước lừa tiền của người đi sau, của bạn bè, họ hàng mình. Chính vì lẽ đó mà có người tham tiền cho vay nặng lãi đến mức mất trắng cả đất đai, tài sản.

Đừng nghĩ rằng đồng tiến kiếm được dễ dàng là lâu bền. Đừng vui mừng trước những đồng tiền không rõ nguồn gốc. Trên con đường làm giàu, luôn có nhiều cạm bẫy mà nếu không đủ tỉnh táo, không có cái nhìn thấu đáo bạn sẽ dễ dàng sa vào. Hãy trau dồi tri thức và đạo đức để làm giàu chân chính.

Capro

11/05/2015

Hãy thành thật với bản thân!

Ngày hôm qua, tôi gặp một người quen cũ. Anh ta nói với tôi rằng vừa nhận được một lời mời làm giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại Hà Nội và anh ta đã từ chối. Tôi mới hỏi anh ta vì sao lại như vậy. Anh ta trả lời rằng về năng lực thì anh ta thừa sức đảm nhận công việc đó nhưng ngại vì bây giờ cho vay tín dụng lắm nhiêu khê, nếu không đủ tỉnh táo, khôn ngoan thì dễ bước vào vòng lao lý.

Tôi nghĩ rằng, như vậy phải nói là anh ta không đủ năng lực mới đúng. Vì nếu như đủ năng lực, anh ta sẽ vượt qua được mọi cạm bẫy nhờ tri thức và bản lĩnh của mình. Chỉ có không đủ tự tin vào khả năng của bản thân thì mới không dám tiến bước mà thôi. Vậy mà, anh ta đã không dám thừa nhận điều đó.

lies-truth_du an khoi nghiep

Có bạn nói rằng để dành được số vốn lớn, nhưng không dám đầu tư phát triển cho công ty của mình vì thị trường có hạn. Chỉ cần nói rằng khả năng của bạn đó có hạn là đủ vì bạn làm sao biết hết được nhu cầu của thị trường và của con người. Bạn đó đã không có đủ tri thức và tầm nhìn mà thôi.

Chúng ta đều là con người, đã là con người thì ai cũng có phần ích kỷ bên trong. Đến đây, có lẽ nhiều bạn phản đối ầm ầm. Bạn có thể nói rằng: Tôi đã hi sinh hết mình cho người khác, hi sinh cho chồng, vợ, con cái…sao có thể nói tôi ích kỷ được. Vậy, tôi hỏi bạn, khi nhìn vào tấm hình chụp chung với người khác, người đầu tiên bạn nhìn là ai? Nếu không toan tính, không ích kỷ, không phải là con người. Chính vì ích kỷ nên bạn không dám thừa nhận nhược điểm của mình, bạn luôn bênh vực cho bản thân, đổ lỗi cho người khác, không dám nhìn thẳng vào sự thật.

Cương lĩnh “trị quốc, bình thiên hạ” của Nho gia xưa đề xướng bao gồm “tam cương, bát mục”. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không có tham vọng bình luận sâu xa hơn về cương lĩnh này mà chỉ muốn trích dẫn một phần về “bát mục”. Để đạt được giàu có, bạn phải không ngừng tu dưỡng phẩm chất, đạo đức năng lực của bản thân. Phẩm đức bản thân tu dưỡng tốt, mới chỉnh đốn được gia đình của mình. Chỉnh đốn tốt gia đình mình mới có thể trở thành lãnh đạo tốt, mới có thể làm cho người khác nể phục, toàn tâm toàn ý làm việc cho bạn. Có thể sử dụng được người khác, bạn mới nhanh chóng bước lên địa vị giàu có được. “Bát mục” là tám bước cụ thể để thực hiện cương lĩnh trên, đó là:

  • Cách vật (nghiên cứu thấu đáo sự vật)
  • Trí tri (hiểu biết sâu sắc, có kiến thức rõ rệt)
  • Thành ý (có ý nghĩ thành thật với chính mình)
  • Chính tâm (giữ lòng dạ ngay thẳng)
  • Tu thân (sửa mình thành người tốt)
  • Tề gia (chỉnh đốn tốt việc nhà)
  • Trị quốc (khiến cho đất nước yên ổn)
  • Bình thiên hạ (khiến cho thiên hạ thái bình)

Trong tám bước này, tu thân là gốc. Muốn tu dưỡng phẩm chất, đạo đức của bản thân, trước tiên, phải hiểu biết thấu đáo về sự vật, nắm vững nguyên lý vận động của các sự vật hiện tượng trong xã hội (cách vật trí tri). Nếu không thành ý, không chính tâm thì không hiểu hết được lý lẽ, mặt phải, mặt trái của sự vật, của vấn đề, của các hiện tượng xã hội. Nếu tâm tư bạn không ngay thẳng, bạn không thể nhìn sự vật, hiện tượng theo đúng bản chất của nó mà chỉ nhìn qua lăng kính phiến diện của mình mà thôi. Hay tệ hơn nữa, vì không thành ý, chính tâm, nên bạn đã bóp méo sự thật.

Thành ý là khiến cho ý niệm được thành thật. Muốn cho ý niệm thành thật, trước tiên mình không được lừa dối bản thân mình. Tuy nhiên, nói thì là vậy, nhưng làm được điều này là rất khó. Bởi như tôi đã nói ở trên, con người luôn có thiên hướng bao che cho cái xấu của mình do ích kỷ. Để làm được điều này, lúc nào bạn cũng phải có ý thức về lời nói và hành động của mình, giữ cho lòng mình ngay thẳng để từ đó hoàn thiện năng lực và phẩm chất.

Tiền bạc có thể đem lại cho bạn nhà cao cửa rộng nhưng phẩm chất, đạo đức có thể làm đẹp tâm hồn và mang lại tài sản. Tâm tư ngay thẳng thì lòng dạ lúc nào cũng vui vẻ thoải mái, từ đó sống có ích và có ảnh hưởng tốt đến mọi người. Bạn hãy luôn nhớ rằng giàu có không tự dưng mà đến, giàu có đến từ sự hoàn thiện chính bản thân mình!

Capro

11/03/2015