Chủ nghĩa khắc kỷ

Hạnh phúc và tai họa trong cuộc sống luôn là điều khó đoán. Đừng nên ảo tưởng rằng mọi thứ luôn tốt đẹp và quanh năm đều là mùa xuân. Ai rồi cũng phải trải qua những khó khăn, vất vả, phải nếm trải những khổ đau, cay đắng, giày vò, thất vọng. Nhưng tất cả rồi cũng sẽ qua đi, thời gian sẽ làm lành vết thương. Điều quan trọng là cách chúng ta ứng xử như thế nào trước những bất hạnh đó.

Hồi còn trẻ, tôi có đọc tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” của nhà văn Mỹ Margaret Mitchell. Bạn nào đã từng đọc cuốn này, chắc hẳn không thể quên được Scarlett O’Hara, một cô gái miền Nam nước Mỹ xinh đẹp, mạnh mẽ. Scarlett không phải là một cô gái hoàn hảo, thánh thiện, tuân theo khuôn mẫu chuẩn mực của phụ nữ đương thời. Nhưng không thể phủ nhận rằng cô rất mạnh mẽ và không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình giàu có, đã từng có cuộc sống xa hoa, nhưng rồi mất tất cả sau thất bại của cuộc nội chiến, Scarlett không bao giờ cho phép mình được nghĩ về quá khứ, ôm ấp những đau thương đó mà luôn hướng về tương lai, luôn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp, sung túc hơn cho mình và gia đình dù rằng cô phải trả giá rất nhiều.

Thomas Edison – một nhà sáng chế vĩ đại – cũng đã từng trải qua mất mát khi nhà máy của ông bị nổ và cháy rụi vào ngày 10/12/1914. Theo khảo sát, ông mất tới 919.788 USD (tương đương với 23 triệu USD ngày nay). Ngọn lửa đã thiêu rụi các ghi chép và tài liệu gốc vô giá hàng năm. Lúc đó ông đã 67 tuổi, cái tuổi mà đáng ra nhiều người đã nghỉ hưu sau một thời gian dài làm việc. Thế nhưng, chỉ 3 tuần sau đó, với khoản vay lớn từ bạn mình Henry Ford, Edison đã xây dựng lại và vận hành một phần nhà máy. Các công nhân của ông đã làm việc 2 ca và tập trung với năng suất cao hơn bao giờ hết. Edison và nhân viên đã tạo ra gần 10 triệu USD doanh thu vào năm sau đó.

Có thể nói rằng cả hai nhân vật trên đều là minh chứng cho chủ nghĩa khắc kỷ.

Chủ nghĩa khắc kỷ (chủ nghĩa Stoic, tiếng Hy Lạp: Στωικισμός) là một trường phái triết học Hellenis được Zeno thành Citium thành lập ở Athen vào thế kỷ 3 TCN. Trường phái khắc kỷ cho rằng mọi cảm xúc hủy hoại đều bắt nguồn từ những sai lầm trong đánh giá, và một nhà hiền triết, người có “trí tuệ và đạo đức phi phàm” sẽ không phải trải qua những cảm xúc như vậy, bởi họ biết làm chủ cảm xúc và tình cảm của mình.

Triết lý khắc kỷ khuyên chúng ta chấp nhận những gì không thể đổi khác. Chúng ta học cách sống với nỗi thất vọng bất khả kháng, học cách chấp nhận mọi sự mất mát không thể vãn hồi và học cách chịu đựng sao cho nỗi khổ đau vơi dần và phai nhoà đi. Hầu hết mọi khổ đau trên đời đều xuất phát từ lòng người, từ thái độ phủ nhận “phần đời” của chúng ta trong cuộc sống.

Bạn chỉ có thể giữ được sự bình lặng trong tâm hồn khi hiểu thấu được bản chất thực sự của muôn vật trên đời. Ví dụ: Nếu vô tình đánh vỡ một món đồ trang sức quý giá, bạn hãy tự nhủ rằng: “Xét cho cùng, nó là món đồ được tạo ra từ vật chất vô thường, tan vỡ là kết cục tất yếu của nó.” Nếu nhận thức được rằng thức uống là thứ dễ ôi, bạn sẽ dễ dàng đón nhận sự kiện ấy khi nó xảy đến- chẳng có gợn sóng nào dậy lên trong lòng bạn.

Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ không phải là những người trốn tránh cảm xúc, hiện thực. Ngược lại, họ thực hiện việc kiểm soát cảm xúc bằng cách chấp nhận những lực lượng nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Họ là những người biến nỗi sợ hãi thành sự thận trọng, lỗi lầm thành sự khởi đầu, tro tàn thành sự sống mới. Khi có mất mát, thảm họa xảy ra, bạn phải chấp nhận rằng điều đó là không thể thay đổi. Chỉ có tìm cách vượt qua những thách thức mới làm cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn mà thôi.

Nếu Scarlett vẫn mãi ôm ấp giấc mộng của những tháng năm tuổi thiếu niên tươi đẹp như Ashley Wilkes, hẳn cô ấy sẽ không thể lo nổi cho gia đình mình. Nếu Edison buông tay chịu chấp nhận mất mát đó, hàng ngàn công nhân của ông sẽ mất việc. Đã sinh ra trên đời, ai cũng phải đấu tranh, đương đầu với thử thách tai ương để tồn tại. Không nên gục ngã trước sự tấn công của bất hạnh, không nên chìm đắm trong đau khổ mà phải đứng lên, tiếp tục làm những gì mà bản thân bạn nên làm.

Capro

14/06/2015

Thẻ:, , , ,

About caprovn

Capro là một chuyên trang nghiên cứu và viết dự án làm giàu. Bạn nào có nhu cầu vui lòng liên hệ với Admin theo địa chỉ E-mail: caprovn@gmail.com. Chúc các bạn những gì tốt đẹp nhất!

2 responses to “Chủ nghĩa khắc kỷ”

  1. An Yên's says :

    Reblogged this on An Yên's.

    Thích

Trackbacks / Pingbacks

  1. Chủ nghĩa khắc kỷ - WebSE Online - 18.01.2016

Bình luận về bài viết này