Sản xuất máy bay – hướng đi mới của Honda

Sau gần 3 thập kỷ lên kế hoạch và phát triển, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản là Honda đang chuẩn bị cho ra mắt một trong những cải tiến mới nhất của hãng: Dòng máy bay tư nhân siêu nhanh với các động cơ được đặt trên cánh. Một chiếc HondaJet 7 chỗ ngồi sẽ có giá khoảng 4,5 triệu USD và có thể được chuyển đến cho khách hàng vào giữa năm nay.

HondaJet_du an khoi nghiep

HondaJet chính thức giúp nhà sản xuất ô tô 67 năm tuổi trở thành thành viên mới nhất của câu lạc bộ ít ỏi những nhà sản xuất máy bay trên thế giới. Với Michimasa Fujino – Giám đốc điều hành 54 tuổi của Honda Aircraft (mảng kinh doanh máy bay của Honda) thì sự ra mắt sắp tới của HondaJet là kết quả của quá trình đấu tranh với những hoài nghi, trì hoãn và suy thoái kinh tế toàn cầu mà ông cùng đội ngũ nhân viên của mình đã trải qua trong suốt hơn 20 năm.

Ông Fujino nhớ lại, phải mất 3 năm để thuyết phục và chứng minh quan điểm của mình. Dự án này gợi nhớ lại những ngày đầu của kỷ nguyên hàng không. Chỉ khi Boeing phát triển mẫu máy bay tiên phong vào những năm 1950 để chứng minh động cơ máy bay có thể đặt dưới cánh và hiện tại Fujino lại chứng minh chúng có thể đặt ở phía trên.

Ông và khoảng 40 nhân viên bắt đầu xây dựng nguyên mẫu máy bay này vào năm 2000 trong một nhà chứa máy bay tại Greensboro với đường băng dài và không phận bay rộng để thử nghiệm. Mẫu máy bay đầu tiên đã bay thành công vào năm 2003. Sau đó, Honda nhanh chóng có được hơn 100 đơn hàng cho HondaJet với hy vọng chuyển đến cho khách hàng vào năm 2010.

Tuy nhiên, sau đó khủng hoảng kinh tế xảy ra đã làm giảm 1/10 nhu cầu cho các dòng máy bay tư nhân cỡ nhỏ và buộc Honda phải cân nhắc lại. “Chúng tôi đã có những cuộc tranh luận nảy lửa về số phận mảng kinh doanh máy bay”, Yoshiharu Yamamoto – cựu chủ tịch phòng thí nghiệm công nghệ của Honda nói. “Honda đã rơi vào thế bí với dự án này sau khi Fujino hứa hẹn sẽ sử dụng ngân sách eo hẹp hơn và lùi thời gian ra mắt”.

Hiện tại, lĩnh vực hàng không vũ trụ đang rất phát triển tại Bắc Carolina và Honda là một phần trong số đó. Ngày nay, lực lượng nhân viên của HondaJet đã lên tới con số 1.300 người trong một khuôn viên rộng 133 mẫu.

Ông Fujino nói rằng việc chuyển sang sản xuất hàng loạt được bảo đảm bởi sự thật là HondaJet đã thành lập một chuỗi chắc chắn với 50 nhà cung ứng bao gồm cả Garmin và Sumitomo Precision Product – những đơn vị đã rất hứng khởi với dòng máy bay này từ khi nó vẫn là “dự án thử nghiệm” vào năm 1999.

Honda không tiết lộ tổng số tiền dành cho dự án HondaJet nhưng công ty đã dành một ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) khổng lồ khoảng 5,3 tỷ USD trong năm tài chính 2014. Trong khi đó, con số tương tự của Boeing là khoảng 3 tỷ USD.

Dòng thông tin trên, tôi đọc được trên một trang mạng có uy tín. Bài viết này cũng hoài nghi về khả năng sinh lợi của ngành sản xuất hoàn toàn mới mẻ này của Honda. Việc Honda phát triển một công nghệ mới, theo ý kiến của cá nhân tôi, ban đầu không hoàn toàn xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận trước mắt mà từ mục tiêu thay đổi xã hội loài người.

Vì sao Honda lấn sân sang sản xuất máy bay?

Có thể thấy ngay rằng việc đầu tư phát triển một công nghệ mới rất tốn kém và đòi hỏi thời gian dài tới hàng thập kỷ. Cụ thể ở đây, Honda đã mất gần 30 năm để nghiên cứu, chế tạo HondaJet với công nghệ vượt trội hơn so với thế giới. Khát vọng hàng không của Honda có lẽ xuất phát từ người sáng lập ra tập đoàn Soichiro Honda – ông vốn là một phi công. Việc Honda sản xuất máy bay, theo tôi, nhằm vào những mục đích sau:

Thứ nhất, từ trước tới nay, chưa một công ty nào ở Nhật Bản tham gia sản xuất vào lĩnh vực hàng không và vũ trụ mà chỉ gia công linh kiện cho nước ngoài. Việc Honda sản xuất máy bay, sẽ giúp Nhật Bản gia nhập lĩnh vực này, ngoài ra còn củng cố an ninh quốc phòng nên cũng sẽ nhận được sự hậu thuẫn từ phía chính phủ.

Thứ hai, xã hội loài người luôn vận động và phát triển. Có thể thấy, các cường quốc trên thế giới đã bắt đầu vươn cánh tay ra ngoài vũ trụ, chinh phục sao Hỏa. Việc Honda phát triển một công nghệ mới thể hiện tầm nhìn và khát vọng chinh phục của một tập đoàn, một quốc gia.

Thứ ba, nhu cầu máy bay tư nhân trên thế giới hiện chưa bùng nổ. Mỹ chiếm phần đông người sở hữu máy bay tư nhân. Tuy nhiên, với công nghệ vượt trội, Honda hi vọng sẽ tăng được lượng cầu về máy bay tư nhân trên thế giới và nắm bắt được công nghệ mới khi ngành sản xuất ô tô bước vào giai đoạn thoái trào.

Honda không nhằm vào mục tiêu lợi nhuận trong thời gian ngắn.

Theo ước tính của phó chủ tịch tập đoàn Teal chuyên tư vấn hàng không ở Fairfax, tiểu bang Virginia (Mỹ), ông Richard Aboulafia, tổng tiêu thụ máy bay thương mại cá nhân trên toàn thế giới trong năm 2007 đạt 999 chiếc, nhưng trên thực tế, số máy được giao là 1.071 chiếc, trị giá 17,2 tỷ USD. Năm 2008, ông Aboulafia cho rằng con số sẽ tăng lên 1.273 chiếc, trị giá khoảng 20,3 tỷ USD, và thị trường này tiếp tục tăng trưởng trong năm 2009 và 2010. Dự đoán này của ông không phải là không có cơ sở. Trong thời gian 5 năm, 1996-2001, ngành sản xuất và kinh doanh máy bay tư nhân đã tăng trưởng 350%. Mặc dù nền kinh tế chứng kiến bước sụt giảm sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, ngành này hiện có quy mô tăng gấp 4 lần so với năm 1996.

Con số này cách đây 8 năm cho thấy lượng nhu cầu về máy bay tư nhân có xu hướng tăng nhanh, tỷ lệ thuận với sự gia tăng về số lượng của giới nhà giàu. Điều này cho thấy, kinh doanh máy bay tư nhân là một ngành hứa hẹn mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, đối với Honda cũng có một số rào cản sau:

–         Tại một số quốc gia châu Á, cơ sở hạ tầng cho việc sử dụng máy bay tư nhân và hệ thống pháp luật chưa thuận lợi.

–         Cạnh tranh trong lĩnh vực này là khá lớn khi một số hãng máy bay đã có truyền thống lâu đời và lượng khách hàng ổn định.

Với số vốn đầu tư lớn, Honda chưa thể thu hồi vốn trong thời gian ngắn hạn từ 5-10 năm. Mục tiêu dài hạn này chỉ có thể đạt được khi Honda có một phương pháp kinh doanh hiệu quả và vẫn duy trì được lợi nhuận từ ngành sản xuất ô tô, xe máy hiện tại mang lại. Hướng đi Honda chọn có vẻ đúng nhưng kết quả thế nào còn phụ thuộc vào phản ứng của thị trường và sự ứng biến linh hoạt của những người điều hành. Câu trả lời còn đang ở phía trước!

Capro

25/05/2015

Thẻ:, , ,

About caprovn

Capro là một chuyên trang nghiên cứu và viết dự án làm giàu. Bạn nào có nhu cầu vui lòng liên hệ với Admin theo địa chỉ E-mail: caprovn@gmail.com. Chúc các bạn những gì tốt đẹp nhất!

Bình luận về bài viết này